Những máy tính chuyên dụng có nguồn gốc Trung Quốc được nhiều nhà đầu tư trong nước nhập về để khai thác đồng Bitcoin, Litecoin...
Háo hức nhận chiếc máy AntMiner S9 sau hơn một tháng đặt cọc, anh Đức Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) kỳ vọng mỗi ngày có thể thu về hơn 700.000 đồng từ thiết bị này. 'Với hiệu suất như hiện nay, sau một tháng máy sẽ đào được 0.06 Bitcoin, thu về khoảng 20 triệu đồng', anh cho biết. 'Sắm máy hết hơn 70 triệu đồng, tôi nhẩm tính thì sau khoảng ba tháng là hồi vốn và bắt đầu có lãi'.
Một máy đào Bitcoin có nguồn gốc Trung Quốc.
Ant Miner S9 mà anh Huy mua chỉ là một trong số hàng chục loại máy đào tiền điện tử có nguồn gốc Trung Quốc tại Việt Nam. Từ đầu 2017, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 7.000 máy đào Bitcoin, Litecoin... trong đó phần lớn có xuất xứ Trung Quốc. Tại TP HCM, chỉ tính riêng hai tháng cuối năm đã có khoảng 5.000 thiết bị được nhập về.
Những máy khai thác tiền điện tử nêu trên được gọi là Asic (Application-specific integrated circuit), tức vi mạch được thiết kế để làm một nhiệm vụ chuyên dụng. Nó được ví là 'máy cày' vì cho hiệu suất cao hơn, nhằm phân biệt với 'trâu' - máy đào VGA- tức máy sử dụng các card đồ hoạ máy tính truyền thống để khai thác tiền điện tử.
Trung Quốc, nơi tập trung lượng mỏ khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới, cũng là nơi sản xuất nhiều máy đào Asic nhất. Trong đó Bitmain của Trung Quốc vừa đóng vai trò 'công xưởng' khai thác Bitcoin số một thế giới, vừa là nhà sản xuất thiết bị phục vụ việc đào tiền điện tử. Ngoài ra còn có các nhà cung cấp máy đào Asic đến từ Trung Quốc như Baikal, Innosilicon...
Asic ra đời khi các 'trâu' VGA không đủ sức mạnh xử lý đồng thời tiêu tốn nhiều điện cho việc khai thác Bitcoin. Thiết bị này bao gồm một hay một vài bo mạch, được tích hợp chip với thiết kế đặc biệt nhằm 'đào' khoẻ hơn nhưng lại 'ngốn' ít điện hơn. Các thành phần khác của Asic khá đơn giản như bộ điều khiển, quạt, cổng LAN để kết nối Internet, đèn báo hiệu...
Một hệ thống với hàng chục Asic.
So với 'trâu' VGA, 'máy cày' Asic có ưu điểm là thiết kế nhỏ gọn hơn nhiều, kích thước tuỳ loại nhưng chỉ tương đương vài ba viên gạch xếp chồng. Do thiết kế chuyên dụng nên máy thường chạy ổn định hơn, gần như chỉ việc cắm điện là chạy chứ ít xảy ra lỗi vặt như với 'trâu'. Điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư là lợi nhuận đem về từ Asic thường gấp vài ba lần máy đào VGA, có thể hồi vốn mua máy sau khoảng vài ba tháng 'đào'.
Chẳng hạn, một chiếc Asic Baikal X10, giá mua đợt tháng 11 khoảng 70 triệu đồng, hiện có thể đem lại thu nhập khoảng 1,8 triệu mỗi ngày. Máy Bitmain AntMiner L3+ và Innosilicon A4+ chuyên 'đào' Litecoin có thời điểm thu về một triệu đồng mỗi ngày và lợi nhuận có thể cao hơn nữa nếu người đầu tư đào và chờ được giá mới bán. Hay như AntMiner S9 'đào' Bitcoin đem về thu nhập ở mức 800.000 đồng mỗi ngày.
'Có thời điểm, chỉ hai, ba tuần là số coin đào được đã bằng tiền mua Asic', anh Quốc Trung, một trong những người khai thác Bitcoin từ 2013, chia sẻ. 'Hiện nay, thời gian hoàn vốn trung bình khoảng ba tháng, nhanh gấp đôi so với việc đầu tư 'trâu' VGA. Asic cũng phù hợp với những người không có nhiều thời gian quản lý máy móc, tiết kiệm diện tích chỗ đặt'.
Tương tự 'trâu' VGA, 'máy cày' Asic cũng bị làm giá với giá bán tại Việt Nam có thể cao gấp rưỡi, gấp đôi so với giá của nhà sản xuất. Chẳng hạn máy 'đào' Bitcoin AntMiner S9 được Bitmain niêm yết ở mức 2.725 USD (khoảng 62 triệu đồng) nhưng về Việt Nam được chào trên 80 triệu đồng. Hay AntMiner L3+ có giá 70 triệu đồng khi tới tay người mua trong nước, so với giá 2.050 USD (khoảng 47 triệu đồng) mà nhà sản xuất công bố.
'Giá Asic về Việt Nam thay đổi theo từng đợt, biến động liên tục theo giá tiền điện tử cũng như lợi nhuận mà nó đem lại', Anh Quốc Trung chia sẻ. 'Dựa theo thu nhập mà máy đem lại, các 'lái' có thể đẩy giá thiết bị lên rất cao. Đắt vậy nhưng Asic thường xuyên 'cháy hàng' vì lợi nhuận nhìn vào hấp dẫn và nhà đầu tư có thể phải chờ cả tháng mới nhận được thiết bị'.
Tuy nhiên, anh Trung cho rằng lợi nhuận luôn cao luôn đi kèm rủi ro lớn. Để có máy Asic, người mua thường phải đặt cọc 50-100% giá trị máy trước một vài tháng cho bên bán. Nếu muốn lấy máy ngay sẽ phải mua với giá chênh lệch, đắt hơn vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Quan trọng hơn, lợi nhuận mà Asic đem lại biến động rất nhiều, thường giảm theo từng ngày. 'Lúc đặt cọc, nhẩm tính thì thấy thu nhập cao nhưng cả tháng sau mới nhận được máy thì lúc đó lợi nhuận có thể còn một nửa và tiếp tục giảm thêm khi có nhiều máy tham gia khai thác', anh Trung cho biết. 'Đó là chưa kể Asic là cuộc đua về thiết bị, nếu một dòng máy mới với hiệu năng cao hơn ra mắt thì máy cũ có thể trở thành 'sắt vụn' vì thu nhập không đủ trả tiền điện, linh kiện không có giá trị sử dụng'.
Với trường hợp của Đức Huy, lợi nhuận từ chiếc máy Trung Quốc được anh tính là trong trường hợp Bitcoin có giá khoảng 14.500 USD. Thực tế, giá của đồng tiền điện tử này đã giảm hơn 5.000 USD chỉ trong 10 ngày qua. Có thời điểm Bitcoin giảm xuống dưới 11.200 USD chỉ sau ba ngày sau khi đạt đỉnh 20.000 USD.
Đình Nam