Trang Marketwatch dẫn lựa chọn 7 đối thủ đáng chú ý nhất của đồng Bitcoin trong năm 2018, dựa trên 'sức nóng', mục đích sử dụng và giá trị của chúng.
1. Litecoin (LTC)
Vốn hóa tính tới 25/12: 15,11 tỷ USD
Biến động trong năm 2017 (tính tới 25/12): 7,004%
Litecoin được tạo ra bởi cựu kỹ sư Google Charlie Lee năm 2011 như một thay thế cho đồng Bitcoin. Với Litecoin, Lee nhắm tới mục đích giảm thời gian xác nhận giao dịch mới và tinh chỉnh phương thức khai thác của Bitcoin để bất kỳ ai cũng có thể tham gia.
'Mục tiêu của tôi là mọi người sử dụng Litecoin để giao dịch mua bán hàng ngày. Nó sẽ là một lựa chọn trong thanh toán', Lee từng nói.
Đồng Litecoin có số lượng hạn chế là 84 triệu đơn vị, trong khi đó số lượng tối đa của Bitcoin là 21 triệu. Trong lưu thông hiện có khoảng 54 triệu Litecoin và 16,7 triệu Bitcoin.
2. Monero (XMR)
Vốn hóa: 5,3 tỷ USD
Biến động trong năm 2017: 2,697%
Cũng giống như Bitcoin, danh tính 'cha đẻ' của Monero còn nằm trong vòng bí ẩn. Một trong những điểm hấp dẫn của Monero chính là tính ẩn danh.
Với đồng tiền này, chi tiết mọi giao dịch - bao gồm thông tin người gửi, người nhận, giá trị, đều được lưu trữ trên một sổ cái công khai nhưng dưới dạng 'không rõ ràng' để không ai có thể theo dõi.
Về lý thuyết, khi sử dụng đồng Monero, không có cách nào để một người có thể kết nối các thông tin về người gửi, người nhận và giá trị giao dịch.
Tuy nhiên, chính yếu tố này cũng khiến Monero trở nên hấp dẫn với giới tội phạm. Các hacker đứng sau vụ tấn công 230.000 máy tính chạy hệ điều hành Microsoft Windows trên toàn cầu WannaCry năm ngoái đã yêu cầu trả tiền chuộc bằng Monero.
Hiện tại có khoảng 15,5 triệu đồng Monero trong lưu thông. Nhưng không giống Bitcoin hay Litecoin, tiền ảo này không giới hạn về số lượng.
3. Neo
Vốn hóa: 3,92 tỷ USD
Biến động trong năm 2017: 54,021%
Neo được tạo ra bởi Da Hongfei - giám đốc điều hành (CEO) của Onchain, chuyên gia chuỗi khối (blockchain) tại Trung Quốc, cùng với Erik Zhang.
Còn được gọi là 'Ethereum của Trung Quốc', đồng Neo được sự báo sẽ bùng nổ nếu Trung Quốc có lập trường mềm mỏng hơn về hoạt động gọi vốn bằng phát hành tiền ảo (ICO) và đồng Bitcoin. Hiện tại trên thị trường có khoảng 65 triệu Neo, trong tổng số giới hạn 100 triệu đơn vị.
4. Cardano (Ada)
Vốn hóa: 10,17 tỷ USD
Biến động trong năm 2017 (từ khi bắt đầu giao dịch tháng 10/2017): 1,528%
Blockchain Cardano được phát triển bởi công ty Input Output Hong Kong (IOHK). Dù mới bắt đầu giao dịch từ tháng 10 năm ngoái, Cardano đã bùng nổ và lọt vào top 10 đồng tiền có vốn hóa lớn nhất thị trường vào tháng 11 và hiện đứng vị trí thứ 5.
Theo CEO Charles Hoskinson, Cardano giải quyết các vấn đề về 'tính bền vững, tương thích và khả năng mở rộng' nên có thể sẽ được dùng bởi hàng tỷ người và kết nối với các hệ thống tài chính.
Hiện có 26 tỷ đồng Ada trong lưu thông, trong tổng số tối đa 45 tỷ đơn vị.
5. Ripple (XRP)
Vốn hóa: 40,5 tỷ USD
Biến động trong năm 2017: 16,988%
Công ty phần mềm Ripple được thành lập bởi nhà lập trình web Ryan Fugger, doanh nhân Chris Larsen và nhà lập trình phần mềm Jed McCaleb vào năm 2012. Đây được xem là 'đồng tiền kế thừa' của Bitcoin.
Tờ New York Times từng mô tả Ripple là 'sự pha trộn giữa Western Union và một sàn tiền ảo, mà không mất những khoản phí khổng lồ'. Ripple không chỉ là một tiền ảo mà còn là một hệ thống mà bất cứ đồng tiền nào, gồm cả Bitcoin, cũng có thể giao dịch trên đó.
'Ripple kết nối các ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, sàn tài sản kỹ thuật số và doanh nghiệp thông qua RippleNet để giao dịch tiền trên toàn cầu', các nhà sáng lập Ripple giải thích.
Ripple cũng đã cấp phép công nghệ blockchain của mình cho hơn 100 ngân hàng.
Hiện tại trong lưu thông có khoảng 38,7 tỷ đồng Ripple trong tổng số giới hạn 100 tỷ đơn vị.
6. Iota (MIOTA)
Vốn hóa: 9,7 tỷ USD
Biến động trong năm 2017: 446%
Đồng Iota được tạo ra bởi một nhóm gồm doanh nhân, nhà toán học và lập trình viên David Sønstebø, Sergey Ivancheglo, Dominik Schiener, và Serguei Popov. Điểm hấp dẫn nhất của Iota là hoàn toàn không mất phí giao dịch. Mỗi người sở hữu Iota cũng là một 'thợ đào'.
Iota tập trung vào mục tiêu trở thành xương sống của các thanh toán an toàn giữa các thiết bị trong nền kinh tế Internet vạn vật.
Đây cũng là tiền ảo đầu tiên không sử dụng công nghệ chuỗi khối. Thay vào đó, Iota dựa trên một cấu trúc sổ cái phân tán có tên 'The Tangle' - sáng kiến cho phép đồng tiền này đạt được 3 cột mốc quan trọng: giao dịch miễn phí, giao dịch ngoại tuyến và khả năng mở rộng không giới hạn.
Thông tin về việc hợp tác với Microsoft là cú hích lớn đưa Iota lên hàng những tiền ảo có giá trị nhất. Số lượng tối đa của đồng tiền này là 2,8 tỷ USD và toàn bộ số này đang được lưu thông trên thị trường.
7. Bitcoin Cash
Vốn hóa: 49,4 tỷ USD
Biến động trong năm 2017 (từ khi bắt đầu giao dịch vào tháng 7): 684%
Bitcoin Cash được tạo ra bởi những người dùng không hài lòng với mức phí quá cao và thời gian thực hiện giao dịch lâu của đồng Bitcoin. Có kích thước khối lớn hơn, Bitcoin Cash xử lý giao dịch nhanh hơn với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, những người trung thành với Bitcoin cho rằng việc tăng kích thước khối làm mất đi bản chất phi tập trung của đồng tiền này.
Hiện Bitcoin Cash được quản lý bởi các nhóm phát triển độc lập. Đây là một trong số những tiền ảo mới nhất ra mắt thị trường sau khi phân tách khỏi Bitcoin hồi tháng 8/2017.
Giữa tháng 11 năm ngoái, Bitcoin Cash vượt qua Ethereum về vốn hóa, trở thành đồng tiền giá trị nhất thị trường trong một thời gian ngắn và hiện ở vị trí thứ 4. Trong lưu thông có khoảng 16,8 triệu Bitcoin Cash trong tổng số tối đa 21 triệu đơn vị.