Một mặt trái mà chính cha đẻ của đồng bitcoin, Satoshi Nakamoto cũng không ngờ tới.
Nhiều năm về trước, da số người đã chằng thèm đoái hoài tới bitcoin – nhiều phần là vì nó quá phức tạp và xa rời thực tế. Nhưng nếu bạn muốn sống trong một thế giới tương lai đúng chất ... tương lai, thì có lẽ đây là lúc để tìm hiểu về thứ tiền mã hóa này.
Tuần vừa rồi, bitcoin phá kỷ lúc 10.000 USD, sáng ngày 08/12/2017, nó phá bỏ ranh giới 15.000 USD, một tốc độ tăng phi mã – đầu năm nay, nó còn chả đạt tới mốc 1.000 USD.
Nếu như hồi năm 2011 bạn mà đầu tư 100 USD vào bitcoin, thì bây giờ bạn đã có 4 triệu USD để mà tiêu xài rồi. Trên mạng Internet, đâu đâu cũng là những câu chuyện tiếc nuối rằng mình đã không mua được chút bitcoin nào hay tệ hơn, ngày xưa đã tiêu xài bitcoin vung vãi vì không nghĩ rằng chúng quan trọng.
Lợi nhuận từ những đồng tiền mã hóa lớn kinh khủng, nhưng bản thân bitcoin không phải là một công cụ đầu tư. Cha đẻ của bitcoin, nhân vật bí ẩn Satoshi Nakamoto, tạo ra bitcoin để thay thế chính đơn vị tiền tệ của nhân loại. Nó sẽ là thứ tiền phi tập trung hóa, an toàn tuyệt đối và sẽ là phương cách chuyển tiền bí mật giữa người và người.
Nhưng lúc ấy, cha đẻ của bitcoin đã không tính tới lượng năng lượng khổng lồ mà một mạng lưới 'đào' bitcoin cần tới – máy tính cần phải giải những bài toán sau mỗi giao dịch, để có thể kiếm được bitcoin. Nói một cách đơn giản, thì bitcoin đang làm chậm tiến độ ngưng sử dụng năng lượng hóa thạch của nhân loại.
Đáng buồn rằng đây mới chỉ là khởi đầu của cơn sốt ấy thôi. Lượng khí nhà kính trên Trái Đất đang tăng cao và bitcoin đóng góp một phần 'công sức' trong đó.
Những đồng tiền mã hóa như bitcoin đang cho chúng ta một thứ dịch vụ tuyệt vời: ta có thể chuyển tiền mà không cần thông qua ngân hàng hay chính phủ. Derek Thompson từ tờ Atlantic đã gọi bitcoin là 'thứ công nghệ tài tình và có tiềm năng xoay chuyển thế giới', toàn bộ nền kinh tế có thể được xây dựng xung quanh thứ tiền này. Bitcoin chính là bản ngã của 'Internet' trong thế giới hiện đại.
Nhưng làn sóng bitcoin đang dâng cao sai thời điểm: Nhân loại đang không kiểm soát được việc biến đổi khí hậu. Mọi hành động của cộng đồng đều cần phải được đánh giá và phân tích, xem nó ảnh hưởng thế nào tới khí hậu Trái Đất. Và đáng buồn thay, việc 'đào' bitcoin không phải việc nên làm.
Tiền điện tử khiến cho nhu cầu sử dụng máy tính tăng vọt, người ta phải nhờ cậy tới những hệ thống máy tính mạnh mẽ để có thể 'đào' được bitcon. Nó càng phát triển, nó lại càng phức tạp, quá trình 'đào' lại càng khó khăn. Đây là cơ chế được tạo ra để kiểm soát mức cung của thứ tiền điện tử này.
Độ khó của việc đào bitcoin hiện tại là gấp 1.590.896.927.258 lần thời điểm đầu tiên. Thông số được đo vào ngày 07/12/2017.
Theo số liệu Digiconomist ghi nhận vào ngày 27/11, lượng điện phục vụ đào bitcoin toàn cầu đã lên đến 30,23 TWh/năm (1 terawatt giờ = 1 tỷ megawatt giờ), tương đương 0,13% tổng lượng điện tiêu thụ trên toàn thế giới và bằng 24,18% điện năng tiêu thụ hàng năm của Việt Nam, khoảng 125 TWh. Các 'thợ mỏ' vẫn đang dựng thêm những máy tính mới, gia tăng sức mạnh xử lý của hệ thống 'trâu cày' vốn dĩ vẫn rất tốn điện (và tốn kém).
Phép so sánh: sức mạnh tính toán của mạng lưới máy tính đào bitcoin trên thế giới đã gấp gần 100.000 lần sức mạnh của 500 chiếc siêu máy tính nhanh nhất thế giới cộng lại.
Nó hút mất một lượng điện khổng lồ từ lưới điện thế giới – đáng lẽ nó đã được sử dụng ở những khu vực thiếu điện, vận hành những cỗ máy khác, giúp ngành xe điện phát triển để tránh phải sử dụng xe chạy chất đốt.
Tại Venezuela, những nhóm đào bitcoin đã khiến nhiều vùng trên cả nước mất điện, Tại Trung Quốc, những hệ thống đào bitcoin đang hút điện từ những nhà máy thủy điện khổng lồ. Thậm chí còn có người biến chiếc xe điện Tesla của mình thành một con 'trâu cày' bitcoin, cắm thẳng vào trạm sạc để kiếm tiền.
Ảnh từ powercompare.co.uk.
Giá trị bitcoin càng tăng, lượng điện nó tiêu tốn sẽ càng nhiều, ta vẫn chưa có nguồn năng lượng sạch hiệu quả để mà dựa dẫm – ta sẽ phải xây thêm những nhà máy điện mới nếu tình trạng 'đào' bitcoin này diễn ra. Với tốc độ này, tháng Bảy năm 2019, lượng điện dùng cho bitcoin sẽ nhiều bằng tổng lượng điện nước Mỹ đang sử dụng. Đến tháng Hai năm 2020, nó sẽ bằng tổng lượng điện tiêu thụ của toàn thế giới.
Ta cần những giải pháp năng lượng mới để chống lại một vấn đề không ai ngờ tới. Việc đào bitcoin rất có thể là đã và đang làm ảnh hưởng tới tiến trình sử dụng năng lượng sạch, cắt giảm khí thải của thế giới rồi. Câu hỏi giờ đây đặt ra không phải là 'Nó đã xảy ra chưa?', mà sẽ là 'Nó đã tệ đến đâu rồi?'.
Tham khảo Wired