BIOS (Basic Input/Output System) là firmware không khả biến được sử dụng để khởi động phần cứng trong quá trình boot máy và thành phần này cũng cung cấp những dịch vụ runtime dành cho hệ điều hành và phần mềm. BIOS được cài sẵn trên bo mạch máy tính và là thành phần đầu tiên hiện lên khi chúng ta bật máy. BIOS ban đầu là một công nghệ độc quyền của IBM PC do Gary Kidall phát minh và xuất hiện lần đầu trên hệ điều hành CP/M năm 1975. Đến những năm 80 của thế kỷ trước thì BIOS mới bắt đầu được các nhà sản xuất khác khai thác dưới dạng nhượng quyền.
Năm 2011 thì UEFI (Unified Extensible Firmware Interface) được Hiệp hội Unified EFI Forum giới thiệu với nhiệm vụ thay thế BIOS, giải quyết những hạn chế của firmware cũ này.
Hầu hết những chiếc máy tính đời mới đều dùng UEFI nhưng đa phần đều hỗ trợ chế độ Legacy BIOS cho phép người dùng sử dụng các phần mềm hay phần cứng có thể không tương thích hoàn toàn với UEFI. Tuy nhiên, trong tương lai thì chúng ta sẽ không còn thấy tùy chọn này trong thiết lập boot bởi Intel đã công bố kế hoạch ngưng hỗ trợ Legacy BIOS vào năm 2020.
Theo Brian Richardson - một kỹ sư chuyên về firmware đến từ Intel thì cả ngành công nghiệp máy tính đang chuyển sang UEFI Class 3/3+ và phiên bản này có nhiều ưu điểm hơn như kích thước code (ROM và OpROM) nhỏ hơn, tương thích các công nghệ mới tốt hơn và kể từ UEFI Class 3 trở lên, chế độ Legacy BIOS sẽ không còn được hỗ trợ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là tính năng Secure Boot bắt buộc phải bật.
Secure Boot và UEFI luôn đi cùng nhau mặc dù Secure Boot chỉ là một tính năng tùy chọn trên UEFI. Trên lý thuyết việc ngưng hỗ trợ Legacy BIOS sẽ không ngăn bạn chạy các hệ điều hành chưa được phê chuẩn trên một chiếc máy tính chạy vi xử lý Intel trừ khi nhà sản xuất chiếc máy tính đó quyết định bật Secure Boot mặc định và không cho bạn tắt tính năng này đi.
Bạn vẫn có thể chạy các bản phân phối Linux trên máy tính hỗ trợ UEFI nhưng nếu bạn gặp vấn đề tương thích trên hệ thống thì việc không hỗ trợ Legacy BIOS sẽ khiến vấn đề khó có thể giải quyết, đặc biệt là khi bạn dùng các OS cũ không hỗ trợ UEFI. Ngoài ra một số ý kiến cho rằng những dòng card đồ họa cũ và nhiều phần cứng khác cũng có thể không tương thích với UEFI Class 3.
Richardson lưu ý rằng một số người dùng vẫn lệ thuộc vào Legacy BIOS bởi nhiều công cụ đặc thù của hệ thống cả về phần cứng lẫn phần mềm không tương thích với UEFI. Vì vậy nhằm đạt được mục tiêu năm 2020 là thay thế hoàn toàn BIOS thì Intel mong muốn được làm việc với các đối tác để loại bỏ những thành phần không hỗ trợ UEFI cũng như cải thiện trải nghiệm người dùng với Secure Boot khi thực hiện những thao tác như cài đặt hệ điều hành hay chạy các công cụ cần truy xuất phần cứng cấp thấp.
Theo: Liliputing