Dưới đây là câu chuyện của một tác giả trên Hackernoon, ông này đi du lịch qua Iran vài tuần và nhận ra ở đất nước này, nhu cầu cho các loại tiền tệ thuật toán như Bitcoin đang lớn hơn bao giờ hết.
Khi đến Iran, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là tiền. Các luật lệ áp đặt từ Mỹ khiến Iran hoàn toàn bị cô lập về tài chính.
Không có ngân hàng nào chấp nhận thẻ tín dụng quốc tế. Visa và Mastercard không hoạt động được tại Iran. Không hề có dịch vụ chuyển tiền qua ngân hàng, không có Paypal, thậm chí còn không có Western Union. Du khách nước ngoài do đó cần phải mang theo tiền mặt (Euro hoặc Đô la) – hoặc Bitcoin – để đổi lấy đồng tiền địa phương là đồng rial.
Gần đây tôi đã đi du lịch qua Iran chừng vài tuần. Tôi vật vã để học được về vấn đề tiền tệ của Iran, về cách quản lý dòng vốn của họ và về ảnh hưởng của các chính sách áp đặt từ Mỹ.
Câu chuyện ngày càng rõ ràng hơn với tôi, tôi nhận ra rằng Bitcoin có thể là giải pháp về nhiều mặt cho người Iran. Tôi bắt đầu tìm hiểu.
Nền kinh tế của Iran đang vật vã
Đồng tiền địa phương của Iran, đồng rial, là một câu chuyện của sự mất giá liên tục. Vào ngày 15/3/1978, trước cuộc cách mạng Hồi giáo, 1 đồng đô la có giá hơn 70 rial.
Tua nhanh đến năm 2016, trước khi Trump được bầu cử, 1 đồng đô la đã bằng 29,000 rial. Với đợt bầu cử tổng thống của Trump, đồng rial ngày càng mất giá nặng hơn.
Đầu tiên, ông này (ý nói Tổng thống Trump) doạ rút ra khỏi thoả hiệp hạt nhân của Iran. Người ta bắt đầu đồn ra khỏi Washington rằng thoả hiệp đã chấm dứt. Lúc này đồng đô có giá tới 60,000 rial trên thị trường chợ đen.
Điều này đã châm ngòi cho sự đáp trả đầy giận dữ từ Phó tổng thống đầu tiên của Iran. Chính phủ và ngân hàng trung ương bắt đầu áp tỷ giá chính thức cho đồng rial là 42,000 rial/USD. Bất kỳ người nào giao dịch đô la với cái giá cao hơn 42,000 sẽ bị “giải quyết nghiêm khắc”.
Phần lớn những người Iran tôi gặp đều kỳ vọng đồng rial sẽ còn bị mất giá hơn nữa, có thể đến 100,000 rial/USD, đặc biệt trước những áp đặt mới từ Trump. Điều này gây ảnh hưởng đến quốc gia này về rất nhiều mặt: hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, ngoại thương suy giảm, lạm phát tăng.
Mặt khác, Iran thậm chí không thể có lợi từ những lợi ích thường thấy của một đồng tiền nội tệ giảm giá, như là giá xuất khẩu hấp dẫn (phần lớn là từ dầu), vì tất cả lượng xuất khẩu bị Mỹ gây sức ép.
Những người nắm giữ các khoản tiết kiệm của họ bằng đồng rial nhận thấy sức mua (purchasing power: lượng hàng hoá mua được từ một số tiền nhất định) giảm đi từng ngày.
Họ đang tìm kiếm các cách để bảo vệ giá trị tài sản của họ, những phương thức lưu trữ giá trị để sống qua cuộc sụp đổ của nền kinh tế: đô la (không thể tìm thấy ở Iran) hoặc vàng.
Hoặc là… Bitcoin.
Bitcoin đang giúp Iran bảo vệ sức mua của họ
Các giao dịch tài chính ngày nay đang bị ngăn cách địa lý bởi biên giới, luật pháp và những áp đặt từ các quốc gia khác. Người Iran hiểu điều này. Họ không thể giao dịch với phần còn lại của thế giới.
Vậy ở Iran không có ngân hàng sao? Có chứ, Iran là một đất nước có hệ sinh thái khởi nghiệp đang nở rộ, các nhà lập trình viên tài năng, và rất rất nhiều ngân hàng. Việc sử dụng thẻ tín dụng hoàn toàn nội địa rất phổ biến, và các hệ thống thanh toán bằng điện thoại có ở khắp nơi.
Tất cả, chỉ có một vấn đề: họ không thể giao dịch với thế giới.
Do đó, hệ thống ngân hàng của họ không giao tiếp được với các thị trường và tiền tệ quốc tế, và đương nhiên sức thanh khoản ở mức cực kỳ thấp.
Và hiện tại, người dân đang chuyển dần sang tiền điện tử vì khả năng chuyển dịch xuyên biên giới của chúng.
Vài tháng trước, ông chủ tịch Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu “hơn 2.5 tỷ đô đã bị thoát ra khỏi quốc gia để đổ vào tiền điện tử.” Mới gần đây, ngân hàng trung ương Iran đã cấm toàn bộ giao dịch tiền điện tử. Bất kể lệnh cấm này, nhiều nền tảng giao dịch mã hoá vẫn đang hoạt động như Payment24 hay LocalBitcoin.
Vì sao người dân nước này ưa thích Bitcoin? Vì nó nhanh hơn và an toàn hơn, và ngoài Bitcoin họ chẳng có một dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới nào khác. Quan trọng hơn, Bitcoin không có tường lửa hay biên giới quốc gia nào. Hoạt động của nó vượt ngoài tầm với của chính phủ.
Người dịch: Sao giống với Việt Nam quá
Nhìn tình cảnh này của người Iran, sao mình thấy giống người Việt mình quá.
Anh em nhìn chart USDVND mà xem, liên tục lập đỉnh mới kể từ đầu 2018 tới nay. Hiện tại 1 USD đã bằng tới 23,304 VND, đỉnh cao nhất mọi thời đại rồi. Đương nhiên người Việt không chịu ảnh hưởng từ việc cô lập giao dịch với quốc tế như ở Iran, nhưng đồng tiền bị mất giá quá nặng là có thực, dẫn đến lượng hàng hoá chúng ta mua được ngày càng ít đi. Và đương nhiên đồng lương thì vẫn như cũ.
Có điều mua Bitcoin để “bảo vệ sức mua” lúc này không phải là hay, Bitcoin cũng đang sấp mặt nặng. Lúc mình mới biết đến tiền điện tử thì USDVND chỉ ngấp nghé 22,600, nếu cứ mua USD để đó thì giờ đã lời khối rồi. Mua Bitcoin để đu đỉnh giờ trông ngày vào bờ.