Hãng sản xuất bim bim (bánh snack) lớn nhất Nhật Bản vừa dừng bán một số dòng sản phẩm đang có giá tới 12 USD một gói trên thị trường.
Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng dòng sản phẩm ăn nhanh này đã diễn ra từ đầu tuần trước sau khi công ty sản xuất bim bim có giá trị thị trường gần 510 tỷ yen (khoảng 4,7 tỷ USD) - Calbee cảnh báo rằng đơn vị này sẽ tạm thời dừng bán 15 loại bim bim do thiếu hụt nguyên liệu. Hokkaido - vùng sản xuất khoai tây chủ yếu của Nhật Bản đã chứng kiến một vụ mùa thất bát, hòn đảo phía bắc này đã bị ảnh hưởng bởi hàng loạt cơn bão lớn từ năm ngoái.
Cuộc khủng hoảng đã khiến những quầy hàng tại các trung tâm thương mại gần như trống không, trong khi giá những sản phẩm còn sót lại được bán thông qua các kênh trực tuyến hoặc đấu giá đã gấp hơn 6 lần mức giá thông thường.
Những gói bim bim Calbee có hương vị pizza tại Nhật Bản hiện được bán với giá khoảng 1.250 yen (tương đương 12 USD) trên website đấu giá của Yahoo Japan, trong khi mức giá bán lẻ của sản phẩm này chưa tới 200 yen.
'Chúng tôi đang làm mọi thứ để tiếp tục bán hàng', Rie Makuuchi - phát ngôn viên của Calbee tại Tokyo cho biết. Doanh nghiệp sản xuất bim bim lớn nhất Nhật Bản cũng sẽ xem xét việc sử dụng nhiều hơn khoai tây nhập khẩu từ Mỹ và yêu cầu các nông dân trồng khoai tây tại hòn đảo phía nam của Kyushu thu hoạch sớm hơn dự kiến.
Cuộc khủng hoảng bim bim dạng khoai tây chiên của Nhật Bản đang gia tăng sau khi doanh nghiệp sản xuất lớn nhất thị trường quyết định dừng bán một số sản phẩm. Ảnh: Bloomberg.
Người phát ngôn của Calbee cũng trích dẫn các rào cản về mặt pháp lý liên quan đến việc hạn chế lượng khoai tây nhập khẩu như một phần trách nhiệm cho sự thiếu hụt.
Một doanh nghiệp đối thủ có quy mô nhỏ hơn là Koike-ya cũng đã dừng bán 9 dòng sản phẩm bim bim do thiếu hụt nguyên liệu khi đơn vị này chỉ sử dụng nguồn khoai tây trong nước.
Bim bim dạng khoai tây chiên đang trở thành một vấn đề lớn ở Nhật Bản, một đất nước cũng được biết đến với những chiếc bánh gạo Senbei và bánh que Pocky. Các sản phẩm mang thương hiệu Calbee là món ăn nhẹ phổ biến nhất và phổ biến thứ hai trong cuộc thăm dò ý kiến trên truyền hình của Asahi với 10.000 khách hàng và 13 nhà sản xuất bánh kẹo vào năm ngoái.
Theo Nikkei, mặc dù tập trung sự chú ý vào các sản phẩm bánh snack khoai tây, song sự thiếu hụt này có thể lan rộng đến các chuỗi cửa hàng ăn nhanh và các nhà hàng, tạo nên một cuộc 'khủng hoảng khoai tây' mang tầm quốc gia.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Nhật chứng kiến sự thiếu hụt các mặt hàng thực phẩm. Số lượng nông dân chăn nuôi bò giảm và thiếu hàng nhập khẩu do thuế cao đã dẫn đến tình trạng thiếu bơ trong quá khứ.
Minh Sơn
* Nguồn: VnExpress