Trước cuối năm 2013, khi chưa có taxi công nghệ, cả Mai Linh và Vinasun đều cạnh tranh không quá gay gắt, kinh doanh 'dễ thở' và tăng trưởng ổn định. Chỉ khi bắt đầu có sự gia nhập của taxi công nghệ, thị trường này mới trở nên 'chật chội'.
Vào tháng 12/2013, EasyTaxi ra mắt tại Việt Nam. Tháng 2/2014, GrabTaxi tới Việt Nam và tháng 6/2014, Uber xuất hiện.
GrabTaxi đã tăng tổng vốn đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, Uber tăng vốn thêm 1,2 tỷ USD và Easy Taxi đổ ra 40 triệu USD để mở rộng hoạt động tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Năm 2016, Mai Linh đầu tư hơn 80 tỷ đồng để thay đổi toàn bộ đồng hồ tính tiền, thiết bị định vị, giám sát hành trình. Nếu ô tô điện chạy taxi được chấp nhận, Mai Linh sẽ có thêm nguồn lực cạnh tranh khi được Ngân hàng Thế giới bảo trợ tới 99% vốn.
Với dịch vụ mới và rót vốn mạnh, Uber và Grab liên tục tăng trưởng doanh thu. Trung bình một ngày, Grab có hơn 1,5 triệu lượt đặt xe, ước tính cứ 4 hành khách thì có một người sử dụng dịch vụ của Grab. Tuy không công bố doanh thu, lợi nhuận nhưng đại diện của Uber Việt Nam đã tuyên bố kinh doanh khả quan và Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm với mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới.
Theo thống kê của Uber Việt Nam, cứ 5 giây đơn vị này lại nhận được yêu cầu gọi xe. Qua thông tin về khoản tiền thuế 30 tỷ đồng mà Uber đã nộp, giới chuyên môn ước lượng doanh thu tại Việt Nam do dịch vụ này mang lại hơn 652 tỷ đồng.
Giữa lúc thị trường đang cạnh tranh gay gắt thì cuối năm 2016, Công ty CP Công nghệ Didi Việt Nam thuộc Didi Chuxing Trung Quốc chuẩn bị thủ tục xin giấy phép hoạt động tương tự Uber, Grab tại Việt Nam. Điều đáng nói là tại Trung Quốc, Uber không cạnh tranh lại với Didi Chuxing nên phải 'bán mình' cho đối thủ, trong khi đó, Didi Chuxing lại được Apple đầu tư 1 tỷ USD. Với khoản đầu tư này, nguồn lực của Didi Chuxing sẽ mạnh hơn và trở thành đối thủ đáng gờm của các hãng taxi Việt Nam.
Cùng với tăng cường vốn đầu tư là cuộc cạnh tranh nổ ra khốc liệt Uber và Grab, giữa các hãng xe công nghệ và truyền thống. Cách lôi kéo khách hàng giữa Uber và Grab diễn ra quyết liệt nhất, gần như quanh năm: Grab làm gì thì Uber làm vậy, và ngược lại. Đơn cử, khi Grab vừa tung ra chương trình 'Đi một chuyến giảm 50%', với giá cước giảm lên đến 40.000 đồng cho chuyến đi GrabCar thứ 2 trong ngày thì ngay sau đó, khách hàng đi Uber cũng nhận được mức giảm giá 35.000 đồng cho 10 chuyến đi UberX trong tuần.
Cả Uber và Grab còn đua nhau tung ra nhiều chương trình thu hút và ưu đãi tài xế. Với Uber, tài xế chạy trên 50 chuyến/ngày được hỗ trợ 1,3 - 1,5 triệu đồng, chạy trên 5 chuyến từ 12 - 14 giờ được tặng 200.000 đồng, được trợ giá một số đoạn ngắn từ 20.000 - 30.000 đồng, được hỗ trợ giảm giá 10 - 15% hoá đơn các dịch vụ bảo dưỡng xe, giảm giá phí học tiếng Anh cho tài xế và gia đình, giảm giá các gói bảo hiểm.
Grab cũng tung ra các chính sách trợ giá cho tài xế khi phải chạy các chuyến ngắn dưới 50.000 đồng. Chính sách thưởng tháng với số chuyến cũng được áp dụng thường xuyên, chính sách hỗ trợ tài xế chạy vào giờ cao điểm, hỗ trợ tài xế mới đăng ký, tặng học bổng cho con em tài xế cũng được thực hiện chu đáo.
Với 750 triệu USD vốn tăng trong năm 2016, chiến lược kinh doanh năm 2017 của Grab là tiếp tục tái đầu tư hệ thống, nâng cấp công nghệ, vận hành bộ máy để nâng cao chất lượng dịch vụ. Năm 2016, Grab đã hợp tác với Honda Motor gia tăng sức mạnh thương hiệu và dịch vụ, đồng thời Honda cũng giúp cho Grab tổ chức các chương trình đào tạo lái xe an toàn, kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp cho tài xế.
Theo ông Đỗ Thanh Năm - Chủ tịch Công ty Tư vấn chiến lược doanh nghiệp Win Win: '3 yếu tố cốt lõi để một khách hàng chọn là chất lượng sản phẩm, giá cả và dịch vụ. Để một sản phẩm, dịch vụ đủ 3 tiêu chí này thì vấn đề quản trị chính là điểm khác biệt của mỗi doanh nghiệp'.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Grab Việt Nam: 'Với lợi nhuận thu được, Grab luôn dành một khoản chi phí lớn để đầu tư cho con người, dịch vụ và công nghệ. Tại Việt Nam, Grab còn tổ chức học viện tài xế để huấn luyện kỹ năng và cập nhật chuyên môn, đào tạo đốí tác thông hiểu thêm về cách thức chăm sóc khách hàng theo chuẩn dịch vụ cao cấp'.
Trước áp lực cạnh tranh và nhận ra nhiều lợi thế của taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống phải đầu tư dịch vụ app, thay đổi chiến lược kinh doanh và tìm lợi thế riêng. Ngoài việc ứng dụng công nghệ đặt xe, Vinasun và Mai Linh đều đầu tư phát triển đội xe.
Ông Trương Đình Quý - Phó tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho biết: 'Năm 2017, Vinasun sẽ đầu tư thêm tối thiểu 1.150 xe, gồm 350 chiếc 4 chỗ và 800 chiếc 7 chỗ, đồng thời thanh lý 850 xe đã quá hạn. Mục tiêu của Công ty là nâng tổng số xe lên 6.500 chiếc. Công ty cũng đang tuyển dụng tới 3.000 tài xế. Bên cạnh đó, Vinasun sẽ điều chỉnh giá cước linh hoạt tuỳ theo tình hình thực tế và có thể sẽ cho ra mắt dòng xe tiết kiệm để cạnh tranh với các hãng xe công nghệ. Cùng với đó, Vinasun sẽ gia tăng lượng khách hàng sử dụng thẻ thanh toán online trên tất cả các địa bàn, phối hợp với các ngân hàng và trung tâm thanh toán để phát hành các loại thẻ thanh toán đa dạng'.
Ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cũng cho biết: 'Năm 2017, Mai Linh tiếp tục đầu tư công nghệ để cạnh tranh, như nâng cấp tổng đài thông minh, ứng dụng công nghệ, giảm chi phí quản lý và xin cấp phép chạy thí điểm taxi công nghệ tại 6 tỉnh - thành mà Uber và Grab đang hoạt động. Đặc biệt, Mai Linh đang xin phép nhập 10.000 - 20.000 ô tô điện về Việt Nam, dự kiến sẽ thay thế hơn 14.000 đầu xe đang chạy và xem đây là lợi thế cạnh tranh về giá cước'.
Theo phân tích của ông Huy, không chỉ bảo vệ môi trường, xe điện còn dễ điều khiển, tiết kiệm năng lượng, chi phí đào tạo tài xế và nhất là tiết kiệm tới 50% phí bảo dưỡng so với xe taxi thông thường. Nếu tính bài toán đầu tư, một chiếc xe điện khoảng 400 triệu đồng, phí đầu tư một cột điện sạc khoảng 2.500 USD, so với dùng xăng dầu thì tiết kiệm hơn rất nhiều. Vì vậy, khả năng cạnh tranh về giá cước của phương tiện này hoàn toàn khả thi'.
Sức nóng cạnh tranh cũng đã lan ra nhiều tỉnh - thành làm cho thị phần của Grab, Uber hẹp lại khi một số địa phương triển khai dịch vụ taxi công nghệ. Đơn cử như Công ty CP Taxi Mekong Cần Thơ đã ứng dụng gọi taxi thông qua phần mềm Taxi Mekong và sẽ triển khai ứng dụng gọi taxi ở các chi nhánh khác của Công ty tại Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang.
Tương tự, App Taxi 57 hỗ trợ gọi xe của Thành Công Car cũng đã vận hành các dòng xe Elantra 2017, Innova 2016, Merceses C250 nhưng mức giá cước chỉ 10.000 đồng/km cho dòng xe 4 chỗ và 12.000 đồng/km cho dòng xe 7 chỗ, được phép hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và Khánh Hòa.