Thương mại điện tử sẽ là chiến lược quan trọng để cả bán lẻ trực tuyến và bán lẻ truyền thống nhắm đến.
Xu thế của online
Với khoản đầu tư của VNG, Tiki mạnh tay hơn trong các khoản đầu tư mới. Tiki trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sử dụng công nghệ tiếp thị của Criteo, một công nghệ nước ngoài khá tốn kém nhưng bù lại, cho phép Tiki theo dõi được hành vi, lựa chọn, thói quen, tâm lý của khách hàng trên mạng. Nhờ đó, Tiki gia tăng đơn hàng và doanh thu trên 65% chỉ sau 3 tháng áp dụng. Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Marketing của Tiki, cho biết, Tiki tiếp tục tìm kiếm giải pháp cá nhân hóa trải nghiệm đến từng khách hàng, cũng như cung cấp đa nền tảng cho đa thiết bị giao dịch từ phía khách hàng.
So với thời điểm Tiki mới thành lập (năm 2010), thói quen mua sắm tiêu dùng của Việt Nam hiện đã thay đổi. Một báo cáo từ Euromonitor chỉ ra, 75% người tham gia khảo sát đều ưa thích mua sắm trên mạng. Lý do vì mua sắm trên mạng giúp người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian, thanh toán thuận tiện, có điều kiện so sánh giá và thường được mua với giá rẻ hơn, lại được giao hàng tận nơi, mua hàng bất cứ thời điểm nào... Sự tiện lợi này, cộng với đặc điểm dân số trẻ, mức thu nhập đã cải thiện và độ thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của internet, của điện thoại thông minh đã khiến hoạt động bán lẻ online ở Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt bậc.
Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2016 trị giá lên tới 4 tỉ USD (tương đương gần 100.000 tỉ đồng), tốc độ tăng trưởng hằng năm lên 22%. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam dự báo, trong 5 năm tới, quy mô thị trường này tại Việt Nam có thể đạt 10 tỉ USD. Cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử mà cả các hãng bán lẻ như Thế Giới Di động (MWG), FPT, Nguyễn Kim, Viễn Thông A, Lotte, Big C, Saigon Co.op... cũng nhập cuộc.
Thực tế, các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT, Nguyễn Kim đã tìm cách tăng tốc trong mảng bán lẻ online. MWG còn khoe với giới đầu tư về mức doanh thu năm 2016 hơn 3.300 tỉ đồng từ bán hàng online, tức tăng 104% so với năm trước. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, thậm chí đã hé lộ tham vọng muốn biến một website bán lẻ khác là vuivui.com thành dự án tạo ra đột biến trong tương lai cho MWG, dự kiến còn tăng trưởng lớn hơn cả chuỗi Thế Giới Di Động, chuỗi Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh.
Kết hợp hay cạnh tranh?
Nếu các trang web là nơi tạo ra doanh thu từ khách hàng, thì những cửa hàng là không gian trải nghiệm, lôi kéo và giữ chân khách hàng.
Trên thế giới, xu hướng các nhà bán lẻ truyền thống mở rộng đầu tư cho kênh online ngày càng mạnh mẽ. Điển hình, sau khi bị Amazon vượt qua về tăng trưởng lẫn định giá thương hiệu, Walmart tăng tốc đầu tư cho mảng thương mại điện tử. Chỉ trong khoảng 1 năm, Walmart triển khai một loạt đầu tư: mua công ty khởi nghiệp thương mại Jet, mua hãng bán đồ nội thất trực tuyến Hayneedle, mở rộng kinh doanh tạp hóa online, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà ở một số nơi. Kết quả, theo CNN, quý IV/2016, doanh số thương mại điện tử của Walmart đã tăng 29%, vượt trội hơn Amazon chỉ tăng 22%. Đáng nói hơn, Walmart trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ nhì tại Mỹ khi xét về doanh số. Ứng dụng di động của Walmart đứng trong Top 3 ứng dụng bán lẻ phổ biến nhất.
Tuy nhiên, ông Alban Villani, Giám đốc Thương mại của Criteo ở Đông Nam Á, Hồng Kông và Đài Loan, cho rằng, thương mại điện tử chưa lấn át và thay thế kênh bán hàng trực tiếp. Bởi vì người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm mua sắm online cho nhiều mặt hàng liên quan đến chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe, giải trí, du lịch, đồ gia dụng, tạp phẩm, nội thất, đào tạo... Một khảo sát ở Mỹ của TimeTrade năm 2015 cũng chỉ ra, 85% người mua hàng muốn chạm và cảm nhận sản phẩm trước khi mua.
Rõ ràng, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng vẫn rất cần thiết và quan trọng trong hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ vẫn ra sức bành trướng quy mô số lượng cửa hàng. Ngay cả những người khổng lồ về thương mại điện tử như Amazon, Alibaba cũng đang tìm cách quay trở lại thế giới thực. Bằng chứng là Amazon đã mở cửa hàng sách đầu tiên của mình vào tháng 11.2015 tại Seattle, Mỹ, còn Alibaba cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 1.2016.
Việc mở rộng các cửa hàng làm gia tăng chi phí và giảm lợi nhuận của ngành bán lẻ. Thương mại điện tử xuất hiện và san lấp đi những lợi thế này của các nhà bán lẻ. Nhưng ngược lại, thương mại điện tử cần những không gian trải nghiệm để kết nối các khách hàng trung thành, thân thiết hơn. Sự kết hợp giữa online và offline ở một quy mô nào đó là cần thiết cho các nhà bán lẻ.
Việt Nam chưa có đơn vị nào kinh doanh online nhảy lấn sang offline. Tiki mới đây cũng xác nhận chưa nghĩ đến vấn đề này. Nhưng ông Alban Villani tin rằng, đến một lúc nào đó, Tiki cũng như các công ty thương mại điện tử sẽ phát triển lên mức kết hợp cả online-offline như Amazon, Alibaba đang làm. Báo cáo đầu năm nay của Nielsen cũng từng đề cập rằng, do tâm lý, thói quen, lựa chọn của người tiêu dùng đã thay đổi nên xu hướng đa kênh, tức kết nối cả bán hàng online và offline sẽ là xu hướng bán lẻ của tương lai.
Những doanh nghiệp đã xây dựng được nền tảng tốt cả về bán hàng offline lẫn online sẽ không phải lo lắng. Nhưng nhà bán lẻ nào chưa quan tâm đúng mức cho kênh online thì khó lòng yên vị. Trên thực tế, tuy thương mại điện tử ước chỉ chiếm 4-5% tổng doanh thu toàn ngành bán lẻ từ đây đến năm 2020, nhưng người tiêu dùng đã, đang và sẽ còn dùng online để tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá cả, đọc các nhận xét...
Nếu các trang web là nơi tạo ra doanh thu từ khách hàng, thì những cửa hàng là không gian trải nghiệm, lôi kéo và giữ chân khách hàng. Tất nhiên, một hệ thống kết hợp online - offline như vậy không thể dành cho những doanh nghiệp nhỏ.