Thương mại điện tử ở Đông Nam Á có tiềm năng lớn nhưng để khai thác hết, việc xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng. Vấn đề này được thảo luận tại diễn đàn trực tuyến Nikkei - ISEAS về thương mại số ở Đông Nam Á vừa được tổ chức bởi tập đoàn Nikkei và Viện nghiên cứu ISEAS-Yokof Ishak. Diễn đàn tập hợp các nhà lãnh đạo trong khu vực bao gồm Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Viện nghiên cứu ISEAS-Yokof Ishak, công ty tư vấn Honey và Huawei.
Các đại biểu tham gia diễn đàn trực tuyến
Ông Choi Shing Kwok, Giám đốc kiêm CEO ISEAS-Yokof Ishak khẳng định: “Thương mại điện tử là động lực cho ASEAN, bằng cách giảm chi phí và tăng hiệu quả. Các công nghệ mới như Internet vạn vật, trí thông minh nhân tạo và in 3D có thể tăng tốc độ tăng trưởng của thương mại ở các nước đang phát triển, bao gồm cả khu vực ASEAN, với tốc độ từ 2,5 % đến 22,5 % mỗi năm từ 2021-2030”.
TS. Rudy Salahuddin, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Indonesia, phụ trách kinh tế số, nguồn nhân lực, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nêu rõ vai trò quan trọng của thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số, đặc biệt trong việc phục hồi kinh tế. Ông cũng đề cập đến những thách thức của ASEAN về khoảng cách cơ sở hạ tầng và tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin không đồng đều.
Ông Rudy Salahuddin cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên đề xuất quy định thống nhất trong toàn khu vực để tạo điều kiện phát triển cho nền kinh tế số, đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng của thương mại điện tử. Trong đó, các chính sách về cơ sở dữ liệu, bảo mật, an ninh mạng giúp thương mại điện tử tăng tốc ở ASEAN.
“Thương mại điện tử tạo ra các cơ hội vàng để hỗ trợ các mục tiêu chung như phục hồi kinh tế khu vực và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”, ông Craig Burchell, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề thương mại toàn cầu của Huawei chia sẻ. Ông đề cập đến bản báo cáo về “Chi phí đảo ngược toàn cầu hóa thế giới thương mại” kêu gọi hợp tác mạnh mẽ hơn để tối ưu hóa các dịch vụ số như 5G, Cloud và AI, để cho phép các cơ hội kinh doanh mới phát triển.
Giám đốc công ty tư vấn Honey Stephanie Honey cho rằng Đông Nam Á có cộng đồng kinh doanh số và thị trường tiêu dùng sôi động. Nhưng các quy tắc thương mại phân mảnh trong khu vực khiến các doanh nghiệp không thể khai thác hết tiềm năng của nền kinh tế số. “Cần có sự hợp tác, linh hoạt và sự tham gia đa bên trong việc phát triển các quy tắc thương mại điện tử mới. Có nhiều thỏa thuận trong khu vực có thể được sử dụng như hình mẫu, trong đó có hợp tác kinh tế số giữa Singapore, New Zealand và Chilê”, chuyên gia này cho biết.
Sau diễn đàn này, buổi thảo luận trực tuyến tiếp theo được tổ chức bởi tập đoàn Nikkei và Viện nghiên cứu ISEAS-Yokof Ishak với chủ đề “Tạo thuận lợi cho thương mại điện tử trong khu vực” sẽ diễn ra ngày 14/9.