Hiện đang có một số thông tin chưa được kiểm chứng cho rằng Nga đã bố trí các tổ hợp tên lửa “Iskander-M” tại Syria nhằm kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là hành động cần thiết của Nga trong chiến dịch quân sự tại Syria.
Mới đây, trên mạng Internet đã xuất hiện một đoạn video clip của kênh truyền hình “Ngôi sao”. Đoạn video clip này cho thấy dường như Nga đã bố trí hệ thống phóng tự hành 9P78−1 của tổ hợp tên lửa chiến dịch-chiến thuật 9К720 “Iskander-M”.
Đáng chú ý, các thông tin về việc Nga đưa tổ hợp tên lửa “Iskander-M” đến Syria đã thường xuyên xuất hiện trên mạng Internet kể từ đầu năm 2016 nhưng hoàn toàn không có bất cứ bức ảnh hoặc đoạn video nào được đưa ra để chứng nhận thông tin này.
Ngày 14/3 vừa qua, trên trang “Người đưa tin quân sự” đã có các thông tin cho rằng giới quân sự Nga đã bố trí các tổ hợp tên lửa đến căn cứ quân sự Hmeymim của Nga tại Syria.
Tổ hợp tên lửa Iskander - M
Kênh thông tin này khẳng định rằng trong vòng 1 ngày đêm, căn cứ Hmeymim đã tiếp nhận 2 máy bay vận tải quân sự và một số khí tài quân sự có hình dáng bên ngoài trông giống như tổ hợp tên lửa.
Câu hỏi đang được giới quan sát quốc tế quan tâm là liệu giới báo chí đã phát hiện các tổ hợp “Iskander-M” ở Syria hay đó chỉ là các tổ hợp tên lửa “Bastion” của lực lượng quân sự Nga hoặc của Quân đội Syria.
Hiện giới phân tích đang có những đánh giá khác nhau về vấn đề này.
Theo chuyên gia Andrey Frolov thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, Tổng Giám đốc tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” cho rằng nhiều khả năng Nga đã bố trí các tổ hợp “Iskander-M” ở Syria.
Vấn đề ở chỗ các tổ hợp “Iskander-M” có thể là bước đi chiến lược của Nga nhằm kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là chống lại căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ nhất, Nga không có nhiều tên lửa có cánh “Kalibr” như mong muốn. Thứ hai, Iran không cho phép các tên lửa “Kalibr” bay qua lãnh thổ của mình.
Nếu như Ankara bất ngờ quyết định thành lập vùng đệm ở Bắc Syria thì Nga sẽ gặp một số vấn đề vì lượng tên lửa “Kalibr” đang trực chiến ở Biển Đen không nhiều.
Nếu như Nga bố trí các tổ hợp “Iskander-M” thì mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều vì chỉ cần “nhấn nút”, các tên lửa của “Iskander-M” sẽ “nằm ở nơi nào cần nằm”.
Do đó, có thể Nga đã cố tình không ngụy trang tổ hợp này để cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về các hậu quả nếu như có các hành động không phù hợp.
Chuyên gia Aleksandr Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện phân tích chính trị-quân sự Nga cũng cho rằng nhiều khả năng Nga đã bố trí hệ thống “Iskander-M” tại Syria và sẽ không chỉ một mà là một vài tổ hợp.
Mục đích chính không chỉ nhằm kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là các căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga có thể sẽ đưa “Iskander-M” đến Syria để thử nghiệm, tương tự như đã thử nghiệm các tên lửa “Kalibr”.
Còn theo Thiếu tướng về hưu Sergey Kanchkov, cựu nhân viên Tổng cục Tình báo Quân sự Nga (GRU) cho rằng thậm chí nếu như trong các bức ảnh hoặc video clip không phải tổ hợp “Iskander-M” mà là tổ hợp “Bastion” của Quân đội Syria thì Nga vẫn nên bố trí các hệ thống “Iskander-M” tại Syria.
Theo Sergey Kanchkov, Nga cần phải thử nghiệm tất cả các hệ thống vũ khí đang có trong trang bị. Hiện các lực lượng công binh Nga đã được cử đến để rà phá bom mìn tại thành cổ Palmyra.
Một mặt, hoạt động này nằm trong khuôn khổ cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và trợ giúp nhân đạo cho Syria.
Mặt khác, hoạt động này cũng giúp Nga thử nghiệm hệ thống rà phá bom mìn mới được trang bị cho quân đội. Chính vì vậy, khi đã tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, Nga nên thử nghiệm tất cả các hệ thống vũ khí có trong biên chế.
Khi thử nghiệm thực tế tại chiến trường, các nhà sản xuất vũ khí của Nga sẽ rút ra nhiều điều bổ ích để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, Sergey Kanchkov cũng cho rằng việc bố trí hệ thống vũ khí nào đó của Nga ở Syria không nhất thiết phải tính đến nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguyên nhân là do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thừa hiểu rằng Nga bằng cách này hay cách khác sẽ bảo vệ Syria khỏi các đòn tấn công.
Mỹ cũng không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ khi quy chế ngừng bắn đang được áp dụng ở Syria. Hơn nữa, Ankara cũng hiểu rằng việc gây chiến với Nga trong điều kiện đang phải chống lại lực lượng người Kurd ở Đông Nam là điều hết sức mạo hiểm.
Được biết, tổ hợp tên lửa chiến dịch-chiến thuật 9К720 “Iskander-M” được đưa vào trong trang bị Quân đội Nga từ năm 2006. “Iskander-M” được sử dụng để thay thế cho các tổ hợp 9К79 “Tochka” đã lạc hậu.
Tầm hoạt động của tên lửa thuộc “Iskander-M” lên đến 500 km nhưng phiên bản dành cho xuất khẩu chỉ có thể bắn đến mục tiêu cách tối đa 280 km.
Ngoài việc có khả năng khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương khó có thể đoán trước được đường bay, các tên lửa của “Iskander-M” còn có khả năng tàng hình khi được áp dụng công nghệ plasma.
Công nghệ này giúp các tên lửa có thể vượt qua các lá chắn tên lửa hiện đại khác. Các tên lửa này sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống định vị GLONASS của Nga.
Một phiên bản khác là “Iskander-K” được sử dụng để phóng các tên lửa có cánh với tầm bắn đạt 500 km và có thể sử dụng các tên lửa có cánh có độ chính xác cao 9М728 (Р-500).
Loại tên lửa này đã được thử nghiệm trong cuộc tập trận chiến lược Vostok-2014 được tổ chức vào tháng 9/2014.
Đức Dũng