Tác động của công nghệ internet cũng như nền tảng đám mây đang giúp định hình tương lai của các thiết bị giải trí, mà cụ thể là TV, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng.
Đổi mới giao diện người dùng TV
Công nghệ internet đang làm cho các công ty đổi mới giao diện người dùng TV của mình với tốc độ làm mới diễn ra nhanh chóng. Chẳng hạn như nền tảng webOS 3.0 trên TV LG mang đến cho người dùng những cải tiến lớn nhất kể từ phiên bản đầu tiên ra mắt trong năm 2014.
Giao diện người dùng thân thiện là tiêu chí hàng đầu của người dùng với Smart TV - Ảnh: AFP
Không chỉ cho phép người dùng tiến hành thưởng thức truyền hình với những tính năng thông minh, webOS 3.0 mang đến trải nghiệm chuyển tiếp video và duyệt web trở nên đơn giản hơn. Với những lợi thế này, không quá bất ngờ khi người dùng sẽ sớm từ bỏ những dịch vụ truyền hình cáp để chuyển sang ủng hộ công nghệ truyền hình hiện đại hơn, bao gồm cả những nội dung truyền hình trả tiền lẫn dịch vụ OTT (over-the-top) truyền qua nhà cung cấp dịch vụ internet.
Truyền hình dựa trên đám mây
Hệ thống truyền hình trước đây, đặc biệt là truyền hình cáp, đã trở nên quá lỗi thời trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nội dung số truyền tải qua công nghệ điện toán đám mây, cho phép phân phối các nội dung đến nền tảng kỹ thuật số thông qua các ứng dụng truyền hình. Đặc biệt là khi hiện nay, tốc độ truy cập internet đang ngày càng được cải thiện.
Truyền hình dựa trên đám mây sẽ mang đến sự phong phú về nội dung để khách hàng lựa chọn - Ảnh: AFP
Hiện nay, nhiều nhà cung cấp truyền hình cáp đã bắt đầu chuyển dần lên công nghệ truyền hình với nội dung phân phối dựa trên địa chỉ người dùng internet. Công nghệ điện toán đám mây được sử dụng để phân phối các nội dung đến các nền tảng kỹ thuật số. Đây là cách duy nhất để tự động hóa quá trình phân phối nội dung với quy mô lớn đến các thiết bị giải trí như Smart TV.
Với nền tảng đám mây, người dùng có thể sử dụng Smart TV để truy cập vào các nội dung streaming video trực tuyến nhiều hơn, thay vì phải dựa vào các nội dung bị bó hẹp của hệ thống truyền hình cáp.
Chẳng hạn, nền tảng Smart TV như webOS 3.0 của LG cung cấp ứng dụng Channel Plus, cho phép bạn thưởng thức hàng loạt nội dung dạng OTT theo định dạng thân thiện với người dùng, bao gồm các nội dung miễn phí có giá trị như Bloomberg, TIME, The Wall Street Journal, BuzzFeed...
Truyền hình HDR
Sau những công nghệ siêu mỏng, 3D, cong và 4K, nội dung truyền hình HDR đang trở thành một xu hướng giải trí nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. HDR (high dynamic range) là thuật ngữ khá quen thuộc trên các máy ảnh kỹ thuật số, thậm chí trên các camera của smartphone ngày nay. Nó được thiết kế để cung cấp hình ảnh là sự kết hợp của ba bức ảnh có các yếu tố thiếu sáng, thừa sáng và trung bình, làm nổi bật hơn ở phạm vi màu sắc. Và HDR trên TV cũng theo đuổi mục tiêu đó.
HDR sẽ mang đến nội dung hiển thị một cách sống động hơn, độ tương phản rộng lớn hơn - Ảnh: AFP
Truyền hình HDR sẽ thay đổi những cách mà chúng ta xem phim và video trên màn ảnh truyền hình với một phạm vi độ sáng và độ tương phản rộng lớn hơn, mang đến một sự khác biệt trong các vùng sáng và tối trên màn hình TV.
Các nhà phát sóng truyền hình hiện vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất trong việc truyền nội dung HDR đến khách hàng, nhưng mới đây BBC đã đưa ra khuyến cáo đưa HDR trở thành một tiêu chuẩn trong công nghệ truyền hình DVB-T đang được sử dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Thành Luân