Là hãng di đông lớn thứ 3 tại Hàn Quốc và một thời thống lĩnh thị trường di động xách tay, Pantech từng vài lần gia nhập thị trường Việt nhưng không mấy thành công.
Từng có 1 Pantech lận đận ở thị trường Việt
Được thành lập từ năm 1991, Pantech là hãng di động lớn thứ 3 tại Hàn Quốc. Ở Việt Nam, thương hiệu này được đông đảo người dùng biết đến với cái tên Sky 4-5 năm trước.
Kẻ từng thống lĩnh thị trường xách tay
Khoảng những năm 2011 - 2012, điện thoại của Pantech từng làm mưa làm gió trên thị trường xách tay vì có thiết kế đẹp, cấu hình tốt nhưng giá lại rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Theo những dân buôn điện thoại lâu năm, khoảng 5 năm về trước, điện thoại Sky xách tay có sức hút không thua kém iPhone bây giờ.
Khác với các đối thủ đồng hương, Pantech chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, một số nước châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Những thống kê vào năm 2012 của Gartner cho thấy, Pantech là hãng điện thoại bán chạy thứ hai tại Hàn Quốc. Đến năm 2013, những chiếc Vega Iron đầu tiên về nước dưới dạng xách tay với tên gọi Sky A870. Model này nhanh chóng gây bão trên thị trường và là smartphone xách tay được săn đón nhất lúc bấy giờ.
Thiết kế đẹp, cấu hình cao nhưng được bán với giá rẻ, Sky A870 từng một thời thống lĩnh thị trường di động xách tay ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, Pantech có một cộng đồng người dùng Vega Iron đông đảo. Máy ghi điểm nhờ thiết kế ấn tượng với khung thép siêu bền, màn hình đẹp, viền màn hình mỏng. Máy là điểm sáng trong thiết kế 3 năm trước.
Đến rồi đi chóng vánh
Trước những phản hồi tốt từ người dùng, cuối 2014 Pantech chính thức gia nhập thị trường Việt với mẫu Vega Iron dùng bản ROM tiếng Việt.
Trái với những kỳ vọng của hãng, doanh số bán ra của Vega Iron ở Việt Nam khá ảm đạm. Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Pantech khi mới vừa đặt chân vào Việt Nam là do những thay đổi chóng mặt của thị trường. Ngoài ra, model này cũng nhập cuộc muộn khi dòng xách tay đã giảm giá rất sâu.
Trong khi các ông lớn như Samsung, Sony, LG liên tục thay đổi mẫu mã, tung nhiều model ở nhiều tầm giá khác nhau để thu hút người dùng thì Pantech tỏ ra lép vế hơn hẳn.
Sau Vega Iron, Pantech cũng đem về Việt Nam một số mẫu di động mới nhưng không gây được tiếng vang như đời đầu.
Sau này, hãng cùng bày bán một số thiết bị mới như Vega LTE-A, Vega Secret Up, Secret Note hay Iron 2 nhưng doanh số bán ra khá ảm đạm. Có nhiều nguyên nhân lý giải việc Pantech chưa thành công, phần vì giá thành không cạnh tranh được với hàng xách tay, bên cạnh thị người dùng đã có quá nhiều lựa chọn trong cùng tầm giá. Hãng di động đứng thứ 3 tại Hàn Quốc đã âm thầm rút khỏi thị trường Việt, nhường lại thị phần cho đồng hương của họ là Samsung, LG và các tên tuổi mới nổi.
Trong khi đó, cơn bão iPhone càn quét các cửa hàng di động xách tay, điện thoại Sky không cạnh tranh lại với “táo khuyết'.
Trên sân nhà, đây cũng là thời điểm Pantech gặp nhiều khó khăn về tài chính. Sau nhiều lần tái cơ cấu, hãng phải đối mặt với nguy cơ phá sản cùng khoản nợ lên đến 475 triệu USD. Khoảng 1 năm sau đó, điện thoại Pantech dần vắng bóng. Tại Việt Nam, Pantech dần biến mất trên thị trường, cả xách tay và chính hãng.
Cơ hội nào cho Pantech khi quay lại Việt Nam
Hơn 1 năm vắng bóng trên thị trường, mới đây Pantech đã quay lại với những kế hoạch truyền thông rầm rộ. Lần này hãng đem đến Việt Nam những smartphone tầm trung với điểm nhấn ở thiết kế kim loại và cấu hình tốt. Theo các nhà bán lẻ, có nhiều khó khăn đang chờ đón Pantech trong lần quay lại này. Thị trường smartphone tầm trung lâu nay vốn là sân chơi khốc liệt của Samsung, LG, Sony, Asus và các tên tuổi Trung Quốc. Trong tầm giá 6-8 triệu, người dùng có nhiều lựa chọn ngang bằng hoặc tốt hơn rất nhiều so với những smartphone mà Pantech mới giới thiệu.
Trước đây, Pantech nổi lên từ thị trường xách tay thì giờ đây di động của Apple và điện thoại khóa mạng từ Nhật, Hàn hầu như chiếm trọn thị trường. Để giành được 1 chỗ đứng trong thị trường 'đất chật, người đông' như hiện nay, Pantech không chỉ cần một chiến dịch truyền thông tốt mà còn phải tập trung nhiều vào mẫu mã, chất lượng cũng như giá bán.
Hai mẫu smartphone tầm trung V950 và V95 mà Pantech vừa đem về Việt Nam
đều có thiết kế đẹp và cấu hình tốt.
Thị trường di động Việt đang trong giai đoạn nhiều biến đổi. Cơ hội và thách thức được chia đều cho các đối thủ. Pantech đặt nhiều kỳ vọng vào lần quay lại này, họ cũng cho thấy những chiến lược rõ ràng của mình trong khâu lựa chọn và tiếp cận thị trường. Về phía người tiêu dùng, sự trở lại của các thương hiệu từng được yêu thích một thời như Motorola, Pantech sẽ thêm nhiều lựa chọn.
Khương Nha