Trong tương lai gần, smartphone sẽ có tính năng nhận dạng người dùng thông qua một cơ chế bảo mật mới bằng tai.
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, tính bảo mật trên các thiết bị di động ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Hiện đã có rất nhiều cách được sử dụng để nhận diện người dùng smartphone như cảm biến vân tay hay cảm biến võng mạc, tuy nhiên những cách này vẫn tồn tại những yếu điểm có thể bị khai thác và qua mặt dễ dàng. Và mới đây hãng điện tử NEC của Nhật Bản đã giới thiệu một cơ chế xác thực hoàn toàn mới với độ chính xác lên đến 99%, bảo mật bằng lỗ tai.
Cấu trúc ống tai của mỗi người là hoàn toàn khác nhau.
Giống như vân tay, cấu trúc ống tai của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Cho nên, NEC đã tận dụng tiếng vang trong tai để có thể nhận dạng được người dùng. Cụ thể, họ đã tạo ra một chiếc tai nghe nhét tai được tích hợp một micro siêu nhỏ ở bên trong. Nhiệm vụ của micro này là phát ra những sóng âm truyền vào bên trong lỗ tai, giúp phần mềm xác định được cấu trúc và tiếng vang của ống tai, từ đó dữ liệu được tổng hợp lại để nhận dạng người dùng. Điểm ấn tượng trong công nghệ này chính là toàn bộ quá trình diễn ra cực nhanh, chưa đến 1 giây và cho kết quả chính xác đến 99%.
Cơ chế hoạt động của công nghệ nhận diện bằng lỗ tai.
'Công nghệ mới không yêu cầu người dùng phải làm một hành động cụ thể như các cơ chế hiện nay để nhận dạng, cho nên nó tạo được một sự tự nhiên với người dùng trong cách thức sử dụng. Họ chỉ cần đeo tai nghe để xác định danh tính trong khi vẫn làm việc và di chuyển bình thường.' - Shigeki Yamagata, giám đốc truyền thông của NEC cho biết.
Tai của mỗi người sẽ có quang phổ âm thanh khác nhau.
Rõ ràng, việc xác thực bảo mật bằng lỗ tai sẽ có độ an toàn rất cao, bởi lẽ sẽ rất khó để làm giả một mô hình cấu trúc bên trong tai người. Ngoài ra, khi sử dụng công nghệ này, người dùng sẽ không cần tương tác trực tiếp với smartphone mỗi lần muốn mở khóa. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là việc bạn sẽ luôn phải mang theo bên mình chiếc tai nghe được trang bị kèm theo. Dự kiến, NEC sẽ bắt đầu áp dụng công nghệ bảo mật mới này vào cuộc sống trong năm 2018.
(Tham khảo: PhoneArena)
Theo Hiệp Phan / Trí Thức Trẻ