Trong khuôn khổ bài đánh giá chiếc Moto Z cách đây không lâu, Test Lab – PC World Vietnam từng nhắc đến bộ phụ kiện loa âm thanh nổi JBL Soundboost và máy chiếu di động Moto Insta-share Projector dành cho mẫu smartphone của Lenovo/Motorola.
Kỳ này, Test Lab sẽ đề cập chi tiết hơn đến 2 món phụ kiện độc đáo nói trên để quý bạn đọc có thêm cơ sở khi quyết định chọn mua Moto Z và loạt phụ kiện MotoMods.
Smartphone Moto Z cùng phụ kiện loa âm thanh nổi JBL Soundboost.
Ngay từ trong tên gọi, 2 món phụ kiện JBL Soundboost và Moto Insta-share Projector gần như đã nói lên được phần nào chức năng chính của từng thiết bị. Thực tế tiếp xúc cho thấy mỗi sản phẩm đều có những điểm nhấn riêng. Đơn cử, ngoại hình của JBL Soundboost trông hệt như một mẫu loa di động với lớp lưới kim loại bảo vệ chiếm gần như toàn bộ diện tích mặt loa. Bên cạnh đó, biểu tượng cùng sắc màu đặc trưng của nhà sản xuất thiết bị âm thanh JBL cũng được in nổi trên chân đế đi kèm. Riêng máy chiếu di động Moto Insta-share Projector nhờ ứng dụng công nghệ trình chiếu DLP và đã được tối ưu về ngoại hình nên trông mảnh mai hơn mẫu loa di động JBL Soundboost.
Tuy nhiên, việc thu gọn kích thước của Moto Insta-share Projector cơ bản cũng đồng nghĩa với việc nhà sản xuất sẽ phải tiết giảm phần nào dung lượng pin tích hợp của món phụ kiện này. Được biết, Moto Insta-share Projector một khi được sạc đầy pin có thể trình chiếu liên tục với thời lượng đạt mức 60 phút. Với loa di động JBL Soundboost, nhà sản xuất đảm bảo có thể chơi nhạc tầm 10 giờ chỉ với một lần sạc.
Từ những tiếp xúc thực tế, Test Lab đánh giá cao thiết kế tối ưu cho sự đơn giản giúp thiết bị có thể dễ dàng sử dụng cho dù chỉ mới chạm mặt làm quen. Cụ thể hơn, người dùng chỉ cần “kết dính” một trong hai món phụ kiện Moto Insta-share Projector hoặc JBL Soundboost với chiếc Moto Z, thiết bị sẽ ngay lập tức được dính chặt bởi lực hút từ tính và smartphone đủ thông minh để nhận ra món phụ kiện mà người dùng vừa lắp thêm cũng như cập nhật dung lượng pin còn lại qua thanh thông báo (Notifications) của giao diện Android trên điện thoại.
Phụ kiện máy chiếu di động Moto Insta-share Projector.
Nói một cách đơn giản hơn, người dùng chỉ cần lắp Moto Insta-share Projector hoặc JBL Soundboost vào mặt lưng của chiếc Moto Z và sau đó là chơi nhạc hoặc trình chiếu bất kỳ nội dung nào trên smartphone một cách dễ dàng.
Ngoài việc xem dung lượng pin còn lại của phụ kiện loa stereo hoặc máy chiếu di động Moto Insta-share Projector qua giao diện Android của Moto Z, người dùng cũng có thể test nhanh xem phụ kiện này còn pin hay không qua nút chức năng và đèn LED tích hợp ngay mặt trong thiết bị. Một khi đã kết nối phụ kiện với smartphone Moto Z, nếu dùng adaptor để sạc pin cho điện thoại, mặc nhiên, phụ kiện được lắp thêm cũng sẽ được sạc đồng thời. Tuy nhiên, cả Moto Insta-share Projector và JBL Soundboost đều được tích hợp sẵn ngõ USB Type-C tựa như mẫu smartphone Moto Z.
Nhờ vậy, người dùng cũng có thể sạc pin trực tiếp cho từng món phụ kiện này dùng chính adaptor sạc siêu tốc đi kèm smartphone. Thực tế thử nghiệm cho thấy nếu cũng kết nối phụ kiện với Moto Z nhưng cấp nguồn trực tiếp cho phụ kiện thay vì cho smartphone, Moto Z sẽ chỉ báo dung lượng pin trên phụ kiện và thông báo rằng Moto Insta-share Projector hoặc JBL Soundboost đang được sạc thay vì cũng được nhận năng lượng từ adaptor cấp cho phụ kiện.
Có thể khẳng định, Moto Insta-share Projector lẫn JBL Soundboost đều mang lại sự đơn giản tối đa cho người dùng, từ thao tác lắp đặt cho đến cách dùng từng món phụ kiện này.
Với JBL Soundboost, thử nghiệm thực tế cho thấy bộ loa di động này tuy nhỏ nhắn, nhưng đủ sức “lấp đầy” không gian thử nghiệm tầm 40m2. Tựa như những mẫu loa di động JBL từng thử nghiệm, món phụ kiện tăng cường âm thanh JBL Soundboost cơ bản cũng thừa hưởng đầy đủ những tố chất giúp tạo nên tên tuổi của thương hiệu này. Cụ thể, JBL Soundboost cũng có chất âm trong trẻo, treble tươi sáng, dải âm trung ấm áp dễ đi vào lòng người. Nhờ thiết kế 2 loa, nên JBL Soundboost cơ bản cũng dễ dàng tái hiện không gian âm thanh nổi hơn so với những mẫu loa di động chỉ trang bị 1 loa thông thường. Riêng với nốt trầm, so với ngoại hình, Test Lab thực sự không kỳ vọng nhiều vào khả năng chơi bass của JBL Soundboost.
Tuy vậy, khi đặt loa nghiêng trên mặt bàn hoặc mặt phẳng thay vì giữ trên tay, chất lượng bass của JBL Soundboost nhìn chung khá ổn. Tiếc là các bước tăng/giảm âm lượng trên nền Android của Moto Z vẫn chưa thật mượt và đôi khi có thể tạo cảm giác hụt hẫng, nhất là khi người dùng phải điều tiết âm lượng khi đang thưởng thức một đoạn phim, ca khúc mà mình yêu thích.
Moto Insta-share Projector có thể cho khung hình lên đến 70 inch.
Với Moto Insta-share Projector, Test Lab nhận thấy ngoại hình món phụ kiện này có phần mỏng và cũng nhẹ hơn so với phụ kiện loa stereo JBL Soundboost. Moto Insta-share Projector cũng được tích hợp sẵn chân đế kim loại song góc xoay có phần linh hoạt hơn.
Thực tế sử dụng cho thấy ngoài việc hỗ trợ chỉnh nghiêng để trình chiếu trên tường/màn chiếu thông thường, Moto Insta-share Projector còn có thể phóng hình trực tiếp lên cả trần nhà nếu muốn. Theo thông tin từ nhà sản xuất, Moto Insta-share Projector có thể trình chiếu khung hình kích thước 70 inch. Thử nghiệm thực tế cho thấy Moto Insta-share Projector cơ bản vẫn cho khung hình rộng 156 cm đủ độ nét khi trình chiếu từ cự ly lên đến 2m. Đương nhiên ở cự ly này nếu trình chiếu trực tiếp lên trần nhà hoặc bề mặt tường thông thường, hình ảnh trình chiếu sẽ gặp phải hiệu ứng “Screen door effect” - các điểm ảnh xuất hiện rõ rệt trên các màn chiếu kích thước lớn tựa như đang quan sát hình ảnh qua một chiếc cửa lưới. May mắn là chất lượng màu sắc khung hình trình chiếu thử nghiệm trong môi trường thiếu sáng nhìn chung rất vừa vặn cho nhu cầu trình chiếu di động. Test Lab thực sự hài lòng với chất lượng màu sắc, hình ảnh mà Moto Insta-share Projector mang lại. Khả năng tự động điều chỉnh vuông hình nhìn chung cũng khá nhạy với các thay đổi khi thử nghiệm.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng do những hạn chế nhất định về độ sáng vốn cũng là đặc trưng của dòng máy chiếu bỏ túi, nên Moto Insta-share Projector chỉ có thể cho màu sắc đẹp trong môi trường thiếu sáng. Bên cạnh đó, chất lượng loa tích hợp trên Moto Z cơ bản cũng chỉ đủ nghe trong những không gian giải trí nhỏ hẹp. Riêng về pin, khi thử trình chiếu các nội dung Full HD từ Youtube, Moto Insta-share Projector có thể cầm cự tầm 60 phút. Ngay cả khi Moto Insta-share Projector thông báo chỉ còn chưa đầy 50%, Test Lab vẫn có thể trình chiếu liên tục nội dung từ Youtube trong khoảng 30 phút.
Thiết nghĩ sẽ thật thuận tiện hơn nữa cho người dùng nếu Moto Z hỗ trợ khả năng điều khiển trên màn hình cảm ứng đã tắt như mẫu tablet tích hợp máy chiếu YOGA Tab 3 Pro của Lenovo.
Thêm hình ảnh phụ kiện máy chiếu Moto Insta-share Projector và loa âm thanh nổi JBL Soundboost: