Một loạt các sản phẩm phần cứng hấp dẫn
Sự kiện tối hôm qua (giờ Việt Nam) là một dịp có 1 không 2 của Google, khi ông trùm phần mềm và dịch vụ Internet này giới thiệu toàn những sản phẩm phần cứng do mình sản xuất (hay ít ra, do mình thiết kế). Từ điện thoại Pixel và Pixel XL, kính thực tế ảo Daydream View, cho đến các thiết bị công nghệ gia đình như loa Google Home, thiết bị truyền video 4K Chromecast Ultra và bộ router Google WiFi.
Trọng tâm về phần mềm duy nhất có lẽ là Google Assistant, “người trợ lý” ảo có mặt trên cả Google Home và Pixel / Pixel XL. Các thiết bị khác mang chức năng phụ trợ để tạo hệ sinh thái kín: kính Pixel là điện thoại đầu tiên hỗ trợ kính Daydream View, còn router WiFi và Chromecast Ultra sẽ chắp thêm cánh cho ngôi nhà thông minh với “trái tim” là loa thông minh Google Home.
Google đã trở thành công ty phần cứng? Câu trả lời là không!
Bấy nhiêu cũng đã làm nhiều người nghĩ Google đang đi vào con đường của Apple, chuyên tâm sản xuất phần cứng đỉnh cao song song với phát triển các phần mềm, dịch vụ để gia tăng sức mạnh và trải nghiệm cho các phần cứng đó.
Nói thẳng ra, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Google sẽ trở thành một công ty sản xuất phần cứng công nghệ, song song với mảng phần mềm và dịch vụ vốn có của mình?
Chưa chắc điều ấy sẽ xảy ra, nếu ta phân tích kỹ hơn về những gì Google đã trình diễn. Sau đây là những lý do chính:
Thực sự không có gì đột phá
Với những thiết bị vừa được giới thiệu, Google chẳng chứng tỏ mình là nhà tiên phong ở bất cứ thứ gì. Bộ đôi Pixel và Pixel XL làm người ta liên tưởng đến iPhone 7 và iPhone 7 Plus. Google Home thì chẳng khác mấy đối thủ Amazon Echo. Daydream View là một kính thực tế ảo giá rẻ cơ bản (yêu cầu phải gắn điện thoại vào mới hoạt động được), kém xa những thiết bị VR cao cấp như Oculus Rift, HTC Vive hay PlayStation VR. Router Google WiFi thì giống như bắt chước y hệt sản phẩm đã có là Eero.
Nhìn kỹ hơn, chính Google cũng không phải tự mình sản xuất ra Pixel. Họ vẫn phải nhờ đến HTC, một hãng sản xuất điện thoại bao đời nay (đừng so sánh với Apple và Foxconn, vì bản thân Foxconn là công ty gia công, không có năng lực tự sản xuất điện thoại).
Liệu Google có thực sự nghiêm túc với mảng phần cứng?
Còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Nhưng nếu nhìn vào quá khứ, ta sẽ thấy Google từng mạnh tay phát triển mảng phần cứng khi bỏ ra đến 12 tỉ USD để mua Motorola. Để rồi chỉ 3 năm sau đó họ… bán phứt cho Lenovo. Google đã từng nhúng vào mảng phần cứng nhưng rồi lại rút ra. Không còn gì bảo đảm lần này họ sẽ toàn tâm toàn ý trở thành một “Apple thứ 2”.
Không có mạng lưới bán lẻ
Hầu như các công ty sản xuất phần cứng công nghệ nào cũng có hệ thống bán lẻ của riêng mình, để khách hàng có thể “trên tay” thiết bị trước khi quyết định mua. Từ Apple cho đến Sony và Microsoft. Ngay cả Amazon cũng đang lên kế hoạch mở 100 ki-ốt bán lẻ tại các trung tâm mua sắm ở Mỹ. Còn chiến lược bán lẻ của Google là gì? Hiện họ chỉ có 2 thứ là thương mại điện tử (để khách đặt mua trực tuyến) và thông qua hệ thống của các đối tác. Nếu muốn nghiêm túc kinh doanh phần cứng, Google buộc phải phát triển mạng lưới bán lẻ của riêng mình, điều mà bây giờ chưa thấy ai đề cập.
Chuỗi cửa hàng Apple Store là nơi cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tối đa các sản phẩm của Apple.Hiện tại bản báo tài chính của Google chưa hề phân riêng mục sản phẩm phần cứng. Chỉ khi nào họ xếp chúng thành một mục riêng, lúc ấy chúng ta mới thể nghĩ Google bắt đầu nghiêm túc trong chuyện này.
Và có một điều mà một số khách mời nhận thấy, trong sự kiện vừa diễn ra, CEO Google Sundar Pichai không cho thấy sự phấn khích mà ông thể hiện hồi Google I/O, sự kiện thường niên dành cho các nhà phát triển phần mềm của Google. Dù gì đi nữa, Pichai vẫn là dân phần mềm, và tâm huyết của ông hiện tại vẫn dồn cho các phần mềm và dịch vụ của Google.
Vậy định hướng của Google là gì?
CEO Google Sundar PichaiRõ ràng không phải là trở thành công ty sản xuất phần cứng như Apple. Nhìn vào sự kiện vừa qua, người tinh ý sẽ nhận thấy các sản phẩm như Pixel và Home chỉ là lớp vỏ. Thứ mà Google thực sự tự hào chính là “khối óc” đằng sau những thiết bị này: trợ lý ảo Assistant.
Còn gì nữa? Pixel gây hứng thú với nhiều người ở tính năng cung cấp dung lượng sao lưu không giới hạn. Còn Daydream thì dĩ nhiên chỉ là nền tảng để các nhà phát triển sáng tạo nên các nội dung thực tế ảo.
Tất cả vẫn chỉ là phần mềm và dịch vụ.
Vì vậy không thể nói Google muốn sánh vai cùng Apple. Có vẻ họ đi theo hướng giống Microsoft thì hơn, khi hãng này sản xuất các loại phần cứng chỉ để quảng bá cho “cần câu cơm” là hệ điều hành Windows của mình. Microsoft dùng mảng phần cứng, vốn được đánh giá rất cao của mình, để phục vụ cho các sản phẩm phần mềm của mình, chứ không hề trực tiếp kinh doanh kiếm lợi nhuận từ việc bán những thiết bị như Surface Pro.
Surface Pro của Microsoft, với nhiệm vụ duy nhất là cung cấp trải nghiệm tuyệt hảo cho người dùng với Windows 10.Đây có vẻ là hình mẫu để Google đi theo. Chiến lược dài hơi của Google là cung cấp mọi thông tin cho mọi người trên thế giới, và kiếm tiển nhờ các quảng cáo mà người dùng nhìn thấy khi tìm kiếm thông tin. Trước giờ đã vậy, và có lẽ trong tương lai sẽ vẫn vậy, cho dù nó có thể gây thất vọng cho không ít “fan cứng” mong chờ Google tạo một cuộc cách mạng lật đổ Apple.
Nguyên Khang
Theo Infonet
Nguồn : kul.vn