Báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm của công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động (MWG) có ghi rõ thông tin công bố rút 22 cửa hàng ra khỏi Big C Việt Nam theo yêu cầu của chính Big C. Thông tin này làm dấy lên nguồn tin cho rằng sau khi về tay của người nước ngoài thì có một âm mưu “đuổi” doanh nghiệp Việt ra khỏi cuộc chơi bán lẻ. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp Thái Lan trong Big C ngày một nhiều hơn đã củng cố cho dự đoán này.
Hệ thống Thế giới di động trong chuỗi siêu thị Big CÔng Đặng Thanh Phong, Giám đốc truyền thông Thế giới di động xác nhận công ty chính thức rút 22 cửa hàng tại Big C sau hơn 1 năm kinh doanh tại đây. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn do các thỏa thuận của cả 2 bên không được thỏa mãn.
“Tại các cửa hàng đặt trong Big C, phần lớn là hàng di động. Gần đây chúng tôi muốn chuyển hẳn sang mô hình điện máy ở hệ thống này và khi thỏa thuận, hai bên không thống nhất được với nhau nên việc rút khỏi hệ thống Big C là bình thường. Cả hai đều rất vui vẻ và chẳng bên nào ép bên nào”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này cũng cho biết, thực tế doanh số 22 cửa hàng trong hệ thống của Big C khá thấp so với 1.000 cửa hàng bên ngoài của Thế Giới Di Động, nên không có tác động nào đáng kể đến sự tăng trưởng doanh thu trong 8 tháng của công ty.
Thông tin từ phía Big C cho hay, vấn đề giữa 2 bên xảy ra là do sự thay đổi về mô hình quản lý. Ở thời của Casino Group, mô hình “shop in shop” được hình thành, và khi chuyển sang cho Central Group quản lý, đơn vị này cũng vẫn tiếp tục vận hành theo mô hình đó. Tuy nhiên, khi cả Thế Giới Di Động và Big C đều có sự thay đổi thì hai bên đã cùng nhau thỏa thuận nhưng chưa đạt được lợi ích chung, vì vậy đã 'chấm dứt hợp đồng trong vui vẻ'.
Giải đáp các thắc mắc về việt doanh nghiệp Việt bị ép, Big C cũng cho biết chủ sở hữu Thái Lan đang tích cực hỗ trợ các đoanh nghiệp Việt chứ không phải như thông tin đồn thổi trên. Điển hình có thể kể đến việc nếu như trước đây, một số nhóm ngành như thực phẩm, đồ tươi sống, gia dụng khi vào siêu thị sẽ phải chịu khá nhiều chi phí, qua đó đội giá thành sản phẩm lên cao hơn. Tuy nhiên, hiện tại, các chi phí này đã được gỡ bỏ.
Khi lợi nhuận không đạt được ở mức phù hợp thì hai bên sẽ tự tách nhau ra. Trong khi đó, việc Big C kết thúc hợp đồng với Thế giới di động cũng là điều hợp lý khi mà chủ sở hữu đơn vị này đang nắm trong tay hệ thống điện máy lớn ở Việt Nam là Nguyễn Kim. Do vậy, các doanh nghiệp Việt cũng cần tạo cho mình một lợi thế riêng để khi gặp sự cố tránh hụt hơi.
Tin Bi
Nguồn : kul.vn