Hồi tháng 8 vừa qua, một văn bản dài 11 trang được UBND TP. HCM ban hành về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, qua đó góp phần đổi mới sáng tạo giai đoạn đến 2020, với 5 dự án được thành phố vạch ra để phát triển vòng tròn khởi nghiệp. Đây là một trong những bước đi cụ thể đầu tiên về mặt chính sách để hiện thực hóa tham vọng biến thành phố thành một thung lũng Silicon của Việt Nam.
TP HCM đang thực hiện quyết sách biến nơi đây thành một trung tâm khởi nghiệp của Việt Nam (Ảnh: VnExpress)TP. HCM sẽ hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho khoảng 2.000 dự án khởi nghiệp từ bây giờ đến 2020. Các hoạt động hỗ trợ gồm có tư vấn, đào tạo, kết nối và ươm tạo... Có khoảng 40.000 m2 sàn sẽ được quy hoạch và thu hút đầu tư nhằm tạo không gian cho cộng đồng khởi nghiệp, xây mới thêm 2 cơ sở ươm tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong vòng 4 năm kể từ bây giờ, lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu thành lập các câu lạc bộ về đổi mới, sáng tạo trong các trường phổ thông trên địa bàn, tập trung phát triển và dào tạo các giáo viên có chuyên môn về khởi nghiệp.
Một trong những hướng đi tích cực của khởi nghiệp tại TP. HCM, là số lượng không gian khởi nghiệp chung (co-working space) phát triển nhanh chóng. Điều này có được là do sự hỗ trợ tích cực đến từ phía lãnh đạo của thành phố. Đơn cử có thể kể đến phía SHTP-IC, sau 10 năm hoạt động theo mô hình truyền thống của mình thì nay cũng đổi mới và mở thêm một không gian gọi là SHTP iHub, viết tắt của SHTP Innnovation Hub.
SHTP iHub chỉ mới hoạt động từ đầu tháng 9/2016. Hiện nay, không gian khởi nghiệp này đã ký hợp tác với Vietnam Silicon Valley (VSV) để triển khai chương trình 'Thúc đẩy khởi nghiệp VSV- SHTP Acceleration'. Ngoài ra, Quỹ Đầu tư Dragon Capital cũng đồng ý hàng tháng sẽ đến đây để gặp mặt và tư vấn các bạn trẻ khởi nghiệp.
Một trung tâm khác là Saigon Innovation Hub (SIHUB). Không gian khởi nghiệp này do Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM thành lập theo chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố.
Theo tính toán của Cục Thống kê TP HCM, giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân của thành phố là 5,6% (174,7 triệu đồng một lao động). Với mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo khởi nghiệp của Việt Nam, giới lãnh đạo thành phố đang muốn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2016 – 2020 phải từ 6,5% trở lên.
Tin Bi (Tổng hợp từ VnExpress)
Nguồn : kul.vn