Sáng 20/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc tại Hà Nội. Sau khi theo dõi phiên khai mạc, nhiều cử tri Hà Nội đánh giá cao Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 của Chính phủ; đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả của kỳ họp lần này.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Theo dõi Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, cử tri Nguyễn Minh Phong ở quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, báo cáo đã cho thấy những điểm nhấn tích cực của kinh tế Việt Nam 9 tháng qua, đó là số lượng doanh nghiệp thành lập vượt trội, thu hút đầu tư tăng, dự trữ ngoại hối tăng cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn, trong đó, ô nhiễm môi trường đặc biệt là môi trường biển ảnh hưởng lớn đến khai thác chế biến thủy sản và đời sống của người dân. Một số áp lực khác liên quan đến lạm phát, nợ công tăng nhanh, cân đối ngân sách khó khăn…
Cử tri Nguyễn Minh Phong bày tỏ: “Người dân chúng tôi kỳ vọng vào Chính phủ với tinh thần xây dựng một Nhà nước kiến tạo, liêm chính đồng hành cùng doanh nghiệp phục vụ người dân sẽ có những chuyển động tích cực để tạo ra môi trường kinh tế xã hội thân thiện, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, tham nhũng, lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, để từ đó tạo ra hợp lực tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước”.
Cử tri Nguyễn Thế Điệp ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, Báo cáo kinh tế – xã hội của Chính phủ đã nêu đúng và trúng những vấn đề “nóng” được nhân dân cả nước quan tâm, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, đổi mới giáo dục – đào tạo, những bất cập của ngành nông nghiệp hiện nay… Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2017 của Chính phủ cùng với những tâm huyết, hành động của người đứng đầu Chính phủ trong thời gian qua đã tạo thêm niềm tin cho cử tri cả nước.
“Tôi cho rằng người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra những thông điệp rất quyết liệt, chẳng hạn như vấn đề thực phẩm sạch, liên quan đến sự tồn vong của dân tộc. Thứ 2 là Chính phủ kiến tạo, đưa ra những chủ trương rất được lòng dân và doanh nghiệp hiện nay. Các cấp chính quyền địa phương, các cấp các ngành phải quyết liệt vào cuộc, đưa ra thể chế để giám sát trong quá trình hành động cho tốt hơn”, cử tri Nguyễn Thế Diệp mong muốn.
Cử tri Nguyễn Trung Thành ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái bày tỏ: “Qua theo dõi kỳ họp trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi phấn khởi về những kết quả trong phát triển kinh tế xã hội đất nước thời gian qua. Tại kỳ họp này mong quốc hội xem xét, đánh giá toàn diện, cụ thể những kết quả đạt được và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho năm 2017. Cử tri khu vực miền núi mong muốn có thêm nhiều sự quan tâm cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc”.
Ông Phạm Bá Lữ, cử tri cao tuổi tại phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế: “Hiện nay, tình trạng cán bộ ngại gần dân, không đi sâu tìm hiểu đời sống người dân, kể cả nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, chỉ gặp gỡ, tiếp xúc ở những chỗ tập trung nên không nắm bắt được rõ những tâm tư, nguyện vọng của dân, cũng như việc làm sai trái của những cán bộ khác. Rồi tình trạng cán bộ cấp dưới làm sai nhưng cấp trên không biết vì họ không đến với dân để nghe phản ánh của dân nên tiêu cực, sai trái trong đội ngũ cán bộ không được phát hiện, xử lý, kịp thời khắc phục”.
Cũng theo dõi phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sáng nay, cử tri Lê Khôi Nguyên ở đường Lê Minh Xuân, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc quan tâm công tác xây dựng pháp luật. Theo ông, việc xây dựng các văn bản pháp luật cần chú ý đến tầm nhìn, nhất là thời hạn sử dụng luật sau khi ban hành, tránh tình trạng luật ban hành không phù hợp với điều kiện thực tế hoặc vừa ban hành đã phải sửa đổi.
Ông Lê Khôi Nguyên nhấn mạnh: “Tôi chú ý đến hệ thống văn bản pháp luật vì luật pháp là cơ sở, là cái gốc, là cái gậy chống để lãnh đạo đất nước, để quản lý xã hội. Chính vì vậy tất cả những bộ luật tuy đã được đưa cho dân biết, dân bàn nhưng phải chú ý đến tầm nhìn, bộ luật ấy sẽ được sử dụng trong thời hạn bao nhiêu năm và bao nhiêu năm sau thì nó không phù hợp”.
Nhiều cử tri mong muốn, tại kỳ họp Quốc hội lần này, cách làm việc của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục được đổi mới, đi thẳng vào vấn đề để đạt hiệu quả cao nhất./.
Nhóm PV/VOV