Các game thủ giờ đây hoàn toàn có thể lựa chọn CPU AMD cho các dàn máy chơi game đắt tiền của mình, thay vì 'trung thành' với các mẫu CPU của Intel.
Sau một thời gian úp mở, tối 8/10/2020, sự kiện giới thiệu dòng CPU Ryzen 5000 với kiến trúc Zen 3 và tiến trình 7nm+ của AMD đã chính thức bắt đầu. Nối tiếp thành công rực rỡ của dòng Ryzen 3000, vốn giúp AMD ‘tái khởi' thành công trước sự thống trị của Intel trong suốt nhiều năm, sự ra mắt của dòng Ryzen 5000 được kỳ vọng sẽ giúp hãng này có thêm vũ khí lợi hại để tiếp tục giành lại thị phần từ tay đối thủ.
Dựa trên những gì AMD đã trình diễn trên sân khấu tối 8/10, có thể khẳng định một điều, những kỳ vọng nói trên đã được Đội Đỏ đáp ứng 100%.
Kiến trúc Zen 3 có bước 'đại nhảy vọt' về mặt IPU so với Ryzen 3000, vốn sử dụng kiến trúc Zen 2
'Bá đạo' từ tầm trung đến cao cấp
2 cái tên đáng chú ý đầu tiên được AMD giới thiệu là Ryzen 9 5950X và Ryzen 9 5900X. Đây là 2 mẫu CPU thuộc phân khúc cao cấp mới nhất của Đội Đỏ, thay thế bộ đôi Ryzen 9 3900XT/3950X.
Được trang bị 16 nhân / 32 luồng, AMD Ryzen 9 5950X có xung boost 4,9 GHz, 72 MB L2+L3 cache, TDP 105W, giá bán 799 USD. Ryzen 9 5900X có số nhân luồng ít hơn, đạt 12 nhân / 24 luồng, kèm theo mức xung boost 4,8 GHz, 70 MB L2+L3 cache, TDP 105W. Bù lại, giá bán của Ryzen 9 5900X sẽ rẻ hơn 5950X đáng kể, khoảng 549 USD.
Thông số 4 mẫu CPU thuộc dòng Ryzen 5000. Nguồn: The Verge
Xuống đến phân khúc cận cao cấp và tầm trung, AMD cũng trình làng 2 cái tên là Ryzen 7 5800X và Ryzen 5 5600X, lần lượt thay thế Ryzen 7 3800XT và Ryzen 5 3600XT.
Với Ryzen 7 5800X, mẫu CPU này trang bị 8 nhân / 16 luồng, xung boost 4,7GHz, 36MB Cache và mức TDP 105W. Giá bán của Ryzen 7 5800X là 449 USD.Trong khi đó, Ryzen 5 5600X trang bị 6 nhân / 12 luồng, xung boost 4,6GHz, 35MB Cache, TDP 105W, kèm theo giá bán rất cạnh tranh, khoảng 299 USD.
Theo AMD, tất cả các mẫu CPU nói trên sẽ chính thức lên kệ vào 5/11/2020.
'Đại nhảy vọt' về hiệu năng chơi game, đấu ngang ngửa Intel
Đúng như những dự đoán trước đó, việc nâng cấp kiến trúc lên Zen 3 đã giúp dòng Ryzen 5000 có IPC (lệnh trên mỗi xung nhịp/chu kỳ) có bước ‘đại nhảy vọt’ so với thế hệ Ryzen trước đây, lên tới 19% - một con số thật sự khó tin. Không chỉ IPC, hiệu năng đơn luồng (single thread), hiệu suất năng lượng, độ trễ giữa nhân và bộ nhớ đệm hay khả năng xử lý của dòng Ryzen 5000 cũng vượt trội hoàn toàn so với các mẫu CPU sử dụng kiến trúc Zen 2.
Có thể nói, những nâng cấp này đặc biệt quan trọng, giúp AMD đạt bước tiến lớn về mặt hiệu năng chơi game - điểm mà lâu nay AMD vẫn luôn ở thế ‘kẻ dưới’ so với Intel. Nói cách khác, song song với các thế mạnh sẵn có ở các tác tác vụ đa nhân (dựng phim, thiết kế 3D), AMD giờ có thể đấu sòng phẳng ở mọi mặt trận với Intel.
Hiệu năng chơi game của Ryzen 9 3900XT kém khoảng 26% so với Ryzen 9 5900X.
Kết quả benchmark đầy ấn tượng của Ryzen 9 5900X được AMD trình diễn trên sân khấu là minh chứng rõ ràng nhất. Mặc dù có cùng số nhân / luồng với Ryzen 9 3900XT, Ryzen 9 5900X mang tới hiệu năng chơi game nhanh hơn trung bình tới 26% ở độ phân giải 1080p so với người tiền nhiệm.
Đáng chú ý, khi đối đầu với Intel Core i9-10900K – mẫu CPU có hiệu năng chơi game nhanh nhất hiện nay, Ryzen 9 5900X cũng thể hiện sự vượt trội đáng kể khi dễ dàng đánh bại đại diện của Intel ở hầu hết các tựa game như LoL, PUBG, CS:GO...v.v., ngoại trừ duy nhất Battlefield V (kém 1%).
Khá thú vị, bản thân các tựa game được AMD lựa chọn để benchmark đều khá 'ưa chuộng' các CPU có hiệu năng đơn nhân tốt, vốn luôn là điểm vượt trội của CPU Intel so với các thế hệ Ryzen từ 1000 đến 3000. Điều này cho thấy, AMD đang rất tự tin về khả năng xử lý đơn nhân của Ryzen 5000 trước Intel.
Hiệu năng chơi game của Ryzen 9 5900X so với Core i9-10900K của Intel. AMD đã tự tin khẳng định Ryzen 9 5900X chính là mẫu 'CPU chơi game tốt nhất thế giới' hiện nay.
Chứng kiến màn ra mắt của Ryzen 5000, nhiều game thủ PC trên MXH Reddit đã lập tức khẳng định họ sẽ lựa chọn CPU AMD cho các dàn máy chơi game đắt tiền của mình, thay vì lựa chọn các mẫu CPU của Intel. Trên thực tế, ngay trước khi Ryzen 5000 ra mắt, đã có 25% game thủ trên Steam sử dụng CPU của AMD. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, khi Ryzen 5000 đã có màn chào sân cực kỳ ấn tượng.
Song cũng phải nói thêm, sự cải thiện về mặt hiệu năng của Ryzen 5000 cũng đi kèm theo một điểm trừ: Sự tăng lên về mặt giá bán. So với Ryzen 3000 ra mắt vào 2018, tất cả các mẫu CPU của Ryzen 5000 đều đắt hơn khoảng 50 USD, vô hình trung khiến lợi thế về mặt p/p của AMD không thực sự rõ rệt. Mặc dù vậy, mức giá của dòng sản phẩm vẫn rất cạnh tranh, kèm theo hiệu năng đủ khiến Intel phải ‘toát mồ hôi'.
Theo dự kiến, vào đầu năm 2021, Intel sẽ ra mắt dòng CPU hoàn toàn mới mang tên mã Rocket Lake. Liệu dòng CPU mới này có đủ để đáp trả AMD Ryzen 5000, chúng ta hãy cùng chờ xem.
Theo: Genk