Laptop gaming hiện nay là càng ngày càng mỏng nhẹ, tuy nhiên, để đạt được thiết kế nhỏ nhắn không khác gì những mẫu ultrabook thì các hãng luôn vướng phải một trở ngại cực kỳ lớn, một con kỳ đà cản mũi khó chịu...đó chính là giới hạn tản nhiệt.
Càng mỏng, thì laptop lại càng ít không gian lưu thông luồng nhiệt, đó chính là lí do vì laptop ultrabook cấu hình khủng thường rất nóng trong khi sức mạnh của CPU hay GPU còn chưa đạt được đến mức tối đa. Tuy nhiên ngày hôm nay chúng ta sẽ nói về 1 giải pháp hứa hẹn sẽ mở đường phát triển cho laptop gaming mỏng nhẹ trong tương lai. Đó là giải pháp tản nhiệt buồng hơi - hay còn gọi là Vapor Chamber.
Tản nhiệt Vapor Chamber là gì?
Trong những lá đồng tản nhiệt đặt trên CPU hay GPU được nạp vào chất lỏng làm mát, khi được làm nóng, chất lỏng sẽ hấp thụ nhiệt và chuyển thành dạng hơi. Từ đó, hơi nóng sẽ lan tỏa đều ra khu vực có nhiệt độ thấp trong buồng hơi, sau khi luồng nhiệt của hơi nóng này được dẫn ra ngoài nhờ các lá đồng và quạt tản nhiệt, nó ngưng tụ và dẫn về chỗ chứa. Quá trình cứ như vậy, thực hiện và lặp đi lặp lại, từ từ phát tán một lượng nhiệt lớn tỏa ra từ CPU và GPU. Cái này thực chất là hiện tượng đối lưu mà chúng ta đã được học trong sách giáo khoa ấy mà.
Hiện tượng đối lưu
Giải pháp này đã được áp dụng trên một số mẫu điện thoại như Razer Phone, ROG Phone hay Pocophone,... nhưng nhiệt từ CPU trên smartphone rất ít, chất lỏng hóa hơi ra vùng nhiệt độ thấp ở buồng kín rồi lặp lại. Là xong! Nhưng nhiệt độ trên tỏa ra từ CPU và GPU trên laptop là lớn hơn rất nhiều, thế nên các lá đồng tản nhiệt cũng lớn hơn, dày hơn và cần cả quạt tản nhiệt để đẩy nhiệt độ ra ngoài nữa.
So sánh với tản nhiệt khí bằng ống heatpipe truyền thống
So với cách tản nhiệt bằng các ống heatpipe truyền thống, cách tản nhiệt bằng Vapor Vhamber ưu việt hơn rất nhiều. Tản nhiệt khí thông qua heatpipe hiện đang còn rất nhiều hạn chế. Hạn chế đó là nó dẫn nhiệt chỉ thông qua một hướng duy nhất. Và chỉ 1 ống heatpipe nhỏ được đặt trên lá đồng tản nhiệt cho CPU hay GPU thì sẽ không thể dẫn toàn bộ nhiệt lượng tỏa ra lên ống heatpipe đó cùng 1 lúc được. Hơn nữa tản nhiệt bằng heatpipe sẽ không đồng đều, heatpipe ở chính giữa và thẳng CPU hay GPU sẽ dẫn được nhiều nhiệt hơn heatpipe ở cạnh mà uốn cong.
Ngược lại, với vapor chamber chúng ta hoàn toàn khắc phục được những điều đó. Tốc độ hấp thụ nhiệt của giải pháp này là siêu nhanh bởi nó không bị ảnh hưởng chiều hướng, khi chất lỏng chuyển trạng thái hơi, hơi sinh ra sẽ sinh áp suất và tự đẩy đi khắp nơi trong hệ buồng hơi kín 1 cách đồng đều, trên mọi vị trí chứ không bị lệ thuộc vào vị trí của ống heatpipe nữa.
Tại sao tản nhiệt Vapor Chamber chưa phổ biến?
Hệ thống tản nhiệt vapor chamber này tốt đến như vậy, tại sao không áp dụng nó trên tất cả các dòng laptop gaming đi. Lí do là bởi mức giá cho giải pháp này đắt hơn rất nhiều so với việc tản nhiệt bằng các ống heatpipe truyền thống. Thế nên các bạn chỉ thấy cơ chế tản nhiệt này trên những chiếc laptop cao cấp của các hãng, như razer blade và chiếc asus G752s cũng khá tương tự, hay tản nhiệt cho PC cũng được cooler master áp dụng với bộ tản V8 GTS, TPC 812, TPC 612 kết hợp cả vapor chamber lẫn các ống heatpipe. Theo coolermaster thì các bộ tản kiểu mới này còn hiệu quả hơn so với tản nước All-in-one, hơn nữa chúng có thể hoạt động mãi mà không cần sữa chữa hay bảo trì giống tản nước.
Nói chung, về tính hiệu quả và ưu việt của tản nhiệt buồng hơi Vapor Chamber rõ ràng là hơn hẳn so với giải pháp tản nhiệt khí truyền thống. Và các hãng phải bằng cách nào đó tận dụng triệt để giải pháp này. Razer Blade 2018 đã áp dụng, mặc dù hiệu quả tản nhiệt tốt hơn nhiều so với phiên bản trước đây nhưng nó vẫn chưa đạt đến mức hoàn hảo. Điều đó khiến mình giả định 1 điều rằng hãng vẫn chưa hoàn toàn khai thác được toàn bộ thế mạnh của giải pháp Vapor Champer này. Nhưng dù sao nó vẫn là 1 công nghệ rất đáng để phát triển trong tương lai, ít nhất ở những mẫu máy gaming cao cấp.