GIGABYTE H370 AORUS GAMING 3 là một trong số loạt bo mạch chủ sử dụng thế hệ chipset H370 mới nhất mà Intel vừa ra mắt, hướng đến đối tương là người dùng phổ thông không có nhu cầu ép xung. Thông qua sản phẩm này, mình sẽ giúp bạn tìm hiểu những điều cần biết trước khi lựa chọn bo mạch chủ với chipset H370, cũng như người anh em của nó là B360 và H310.
CPU hỗ trợ: Intel Core i thế hệ thứ 8 (Coffee Lake)
CPU Socket: 1151v2
Chipset: H370
Khe cắm card: 1 x PCIe 3.0 16x, 1 x PCIe 3.0 4x
Cổng xuất hình: HDMI, DVI-D
Khe cắm RAM: 4 x DDR4 (kênh đôi)
Khe cắm mở rộng: 4 x PCIe 3.0 1x
SATA/M.2: 6/2
LAN: Gigabit
Wifi: 1 khe M.2 cho bộ phát Wifi Intel CNVi
SATA RAID: 0, 1, 5, 10
USB: 1x USB 3.1 gen 2 Type-C, 1 x USB 3.1 gen 2 A, 1 USB 3.1 gen 1 Type-C, 4 x USB 3.1 gen 1, 6 USB 2.0
Sound card: ALC1220-VB
Kích thước: ATX
1. Bo mạch chủ Intel Coffee Lake phổ thông, tích hợp nhiều tính năng mới so với Z370
Sự khác biệt lớn nhất của chipset H là nó không hỗ trợ ép xung và thường chỉ được xem như là bản cắt giảm tính năng của chipset Z cao cấp. Tuy vậy năm nay chúng ta có một số sự khác biệt khá thú vị khi chipset H370 dù vẫn không hỗ trợ ép xung, nhưng được Intel ưu ái trang bị nhiều tính năng nâng cao thậm chí là còn hơn cả chipset Z370.
Điều này thể hiện khá rõ nét trong bo mạch chủ GIGABYTE H370 AORUS GAMING 3, khi chúng ta bắt đầu thấy sự xuất hiện của kết nối USB 3.1 gen 2, khe M.2 dành riêng cho bộ phát Wifi Gigabit (bán riêng hoặc có sẵn nếu như bạn mua phiên bản Wifi của AORUS GAMING 3). Đây là những tính năng mà trước đây nhà sản xuất phải tích hợp thêm chipset riêng, khiến chúng chỉ dành cho những sản phẩm trung và cao cấp mà thôi. Với thế hệ chipset mới, USB 3.1 gen 2 và wifi là một phần trong H370 nên người dùng có thể trải nghiệm ngay cả với các bo mạch chủ phổ thông.
Một lưu ý là dòng bo mạch GIGABYTE H370 AORUS GAMING 3 cũng không hỗ trợ cả SLI lẫn Crossfire. Bạn có thể thấy mà trên bo có 2 khe cắm PCIe 16x, tuy nhiên chỉ có 1 khe là chạy đủ tốc độ 16x trong khi khe còn lại thì chỉ chạy ở 4x (phù hợp để cắm ổ cứng SSD dạng PCIe). Nếu bạn có nhu cầu chạy hệ thống đa card thì vẫn phải chọn các dòng bo Z370 đắt tiền.
2. Sự lựa chọn tuyệt vời dành cho các CPU Coffee Lake không K
Như mình đã chia sẻ ở trên, H370 là chipset không hỗ trợ ép xung nên về cơ bản đây là sự lựa chọn tốt dành cho các bộ xử lý Intel Coffee Lake không K, vốn cũng không hỗ trợ ép xung. So với dòng tương đương sử dụng chipset Z370 (trong trường hợp này là Z370 AORUS GAMING 3, khoảng 4,4 triệu) thì bo mạch chủ H370 AORUS GAMING 3 sẽ có giá mềm hơn một chút, cụ thể bao nhiêu thì mình sẽ cập nhật sau vì sản phẩm này mới ra chưa có giá. Tuy nhiên nếu xét về tổng thể đối với người sử dụng bình thường thì sự khác biệt tính năng là không đáng kể.
Tuy nhiên nếu nhìn vào GIGABYTE H370 AORUS GAMING 3 thì chúng ta có thể thấy là nó được nhà sản xuất chăm chút khá kỹ về mặt thiết kế lẫn tính năng. Mang tiếng là không ép xung, tuy nhiên hãng vẫn tích hợp hệ thống cấp nguồn hybird kỹ thuật số PWM 8+2, nhằm đảm bảo sự ổn định khi hoạt động thời gian dài. Đèn LED vẫn hoành tráng không thua kém những dòng sản phẩm cao cấp.
3. Bên cạnh tính năng của chipset, chúng ta còn có những tính năng riêng của hãng
Cùng một chipset H370 nhưng bạn sẽ thấy chúng ta có nhiều sự lựa chọn về bo mạch chủ với mẫu mã, tính năng và mức giá đa dạng. Nếu xét trong dải sản phẩm H370 của GIGABYTE, AORUS GAMING 3 có thể xếp vào phân khúc trung cấp với thiết kế hầm hố đẹp mắt và nhiều tính năng bổ trợ được tối ưu dành cho game thủ.
Nổi bật nhất có lẽ là thiết kế với bảng mạch đi khá gọn, kết hợp với hệ thống đèn LED tuy không nhiều nhưng đủ để thu hút sự chú ý của giới game thủ. Điểm đặc trưng của thế hệ bo mạch chủ AORUS đó chính là miếng mica đặt ở cạnh có thể dễ dàng thay thế với thiết kế của riêng bạn. Chẳng hạn như ở đây mình đã thay đổi miếng mặc định thành miếng mica với biểu tượng AORUS và logo Tinhte.vn. Ngoài ra thì tính năng RGB Fusion cho phép bạn có thể dễ dàng kết nối và điều khiển đèn LED của những linh kiện khác như RAM, dây LED,... Bộ điều khiển đèn là loại kỹ thuật số, nên cho phép độ tuỳ biến màu sắc cao hơn so với kiểu analog trước đây.
4. Lựa chọn Z370, H370, B360 hay H310?
Về lý thuyết, mỗi dòng chipset được Intel hướng đến đối tượng người dùng riêng. Tuy nhiên trừ Z370 định hướng khá rõ vào phân khúc người dùng cao cấp, muốn ép xung để khai thác tối đa sức mạnh phần cứng, thì 3 mẫu chipset còn lại tính năng hơi na ná nhau. Nói thật ra thì nếu bạn là người dùng phổ thông không có nhu cầu gì cao siêu như chạy nhiều card hay RAID ổ cứng, cả 3 chipset H370/B360 và H310 đều sẽ đáp ứng tốt. Tuy vậy các nhà sản xuất như GIGABYTE sẽ bổ sung thêm một vài tính năng nâng cao để bạn có thể cân nhắc.
Chẳng hạn như đối với H370 AORUS GAMING 3, đây là dòng bo mạch hướng đến đối tương game thủ thích thiết kế đèn LED đẹp là điểm nhấn. Ngoài ra còn có một số nâng cấp về âm thanh nhằm mang lại trải nghiệm hoàn thiện hơn. Nếu không có nhu cầu, bạn có thể chọn những dòng bo mạch chủ GIGABYTE H370 thường không quá bắt mắt, nhưng mức giá dễ chịu hơn và độ bền cũng không kém cạnh. Điều tương tự cũng được áp dụng với B360 và H310. Mời bạn tham khảo các tính năng cơ bản của chipset Intel Coffee Lake ngay bên dưới:
Bảng so sánh tính năng của chipset Intel Coffee Lake
Bộ ảnh bo mạch chủ GIGABYTE H370 AORUS GAMING 3