
Pebble ra mắt lần đầu năm 2013 thông qua một dự án trên trang Kickstarter. Ở thời này việc gây được quỹ nhiều tiền trên KickStarter là chuyện hiếm, vậy mà một hãng làm đồng hồ không tên tuổi đã thực hiện được chuyện đó, và thậm chí còn bán ra đồng hồ của mình. Smartwatch đời đầu của Pebble thậm chí còn được bán trong chuỗi cửa hàng Best Buy ở Mỹ nữa. Sau đó họ tiếp tục giới thiệu thêm nhiều mẫu mới để làm cho máy trở nên đẹp hơn, mỏng hơn, sexy hơn so với ngoại hình được ví như 'đồng hồ siêu nhân gao' ở thời gian đầu.
Khác với những hình dung của người ta về smartwatch, Pebble chỉ sử dụng phím cứng để điều khiển đồng hồ. Chọn menu, xem giờ, cài đặt cấu hình, khởi động lại... tất cả đều dùng phím cứng thay vì sử dụng màn hình cảm ứng như Apple Watch hay loạt đồng hồ Android Wear.

Vì sao Pebble vẫn có thể sống được với nút cứng trong vòng 4 năm? Đầu tiên xuất phát từ nhu cầu của chính những người mua Pebble. Bạn sẽ mua Pebble khi cần xem thông báo từ điện thoại gửi ra và khi cần đo thông số sức khỏe, tập luyện thể thao. Những nhu cầu này không cần phải có màn hình cảm ứng, bạn chỉ đơn giản đưa cổ tay lên, xem, xong bỏ xuống và làm tiếp công việc của bạn. Nút cứng là lựa chọn phù hợp để di chuyển qua lại giữa các thông báo với nhau. Tương tự, khi tập luyện thể thao bạn cũng không cần cảm ứng để làm gì cả.

Yếu tố thứ hai khiến nút cứng xuất hiện trên Pebble đó là màn hình. Đặc trưng của tất cả đồng hồ Pebble là sử dụng màn hình e-paper, một loại LCD đặc biệt có khả năng tiết kiệm điện rất cao. Chiếc Pebble đời đầu và đời 2 có thời lượng pin lên đến 7 ngày, một con số vẫn rất khủng tính đến thời điểm hiện tại khi mà Apple Watch hay Android Wear được cỡ 2-3 ngày là đã phải cắm sạc rồi. Ngay cả Pebble Time Round giảm pin để trở nên mỏng hơn và sử dụng thiết kế tròn mà cũng trụ được tới 4 ngày, và màn hình e-paper góp phần lớn vào việc đó. Nếu Pebble dùng màn hình cảm ứng, họ không thể dùng e-paper được vì tấm e-paper cảm ứng rất đắt mà lại không được sản xuất số lượng lớn, LCD thì hao pin quá.
Cuối cùng, dùng nút cứng nhưng vẫn thuận tiện là nhờ giao diện của Pebble được thiết kế rất ngon và dễ thao tác. Giao diện này chỉ là menu, một biểu tượng đơn giản, bấm Enter là đi vào, bấm back là đi ra. Không có những menu tròn như Gear S2-S3, không có giao diện app đồ sộ như Apple Watch, cũng không có Google Assistant phức tạp như Android Wear. Sự đơn giản đó khiến việc thao tác bằng nút trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, ngay cả khi nhắm mắt bạn vẫn có thể di chuyển giữa các thông báo hay đổi mặt đồng hồ được.
Sự chấm dứt của Pebble để lại trong mình rất nhiều điều tiếc nuối: tiếc vì đồng hồ dễ thương, tiếc vì pin lâu, tiếc vì giá quá tốt, và tiếc vì nút cứng giờ đã không còn xuất hiện trên đa số những chiếc smartwatch năm 2018 này. Mình cũng buồn lắm nhưng không biết làm gì hơn ngoài việc chúc team phần mềm của Pebble tiếp tục làm tốt ở Fitbit, và hi vọng một ngày không xa Fitbit sẽ hồi sinh lại Pebble một cách mạnh mẽ hơn, tốt hơn và trải nghiệm người dùng ngon lành hơn nữa.