Bộ đôi XPS mới từng được giới thiệu lần đầu tại CES 2017 và đã thu hút sự quan tâm của người dùng bởi dáng vẻ hiện đại, thiết kế sáng tạo, thể hiện đặc trưng của sản phẩm với màn hình viền siêu mỏng InfinityEdge.
Để đạt được những yếu tố trên, Dell đã thay đổi rất nhiều trong quá trình phát triển để đạt được mục tiêu mỏng nhẹ, kiểu dáng thanh thoát hiệu suất tốt hơn. Đặc biệt Dell cũng định hình được một ngôn ngữ thiết kế mới không chỉ hãng mà cả HP, Lenovo và các nhà sản xuất máy tính khác đã bắt đầu áp dụng cho nhiều dòng sản phẩm.
Thiết kế
XPS 13 và 15 không có nhiều thay đổi so với phiên bản trước đó, vẫn giữ được sự tinh tế, chăm chút trong từng chi tiết. Cấu trúc khung máy chất liệu hợp kim nhôm định hình bằng công nghệ cắt CNC. Mặt trong phủ lớp nhựa mềm và có thêm lớp sợi carbon nhằm gia tăng sự chắc chắn, độ bền của sản phẩm. bạn sẽ dễ dàng cầm giữ trên tay khi di chuyển giữa các phòng làm việc nơi công sở.
Điểm nổi bật trong thiết kế là viền màn hình công nghệ InfinityEdge với độ mỏng chỉ 5,2mm. Để làm được điều này, Dell đã mất 2 năm nỗ lực làm việc cùng Sharp nhằm tạo ra mẫu màn hình hoàn hảo, dùng tốt nhất cho XPS mới. Vì vậy trên thực tế, bạn sẽ thấy XPS 13 sử dụng màn hình 13,3 inch nhưng nhỏ gọn chỉ bằng laptop 11,6 inch, và tương tự kích cỡ XPS 15 cũng bằng laptop 14 inch mà thôi. Đây cũng được xem là khởi đầu cho một thiết kế mới của laptop, dấu ấn công nghệ mà Dell đạt được trong việc ứng dụng màn hình viền siêu mỏng.
Riêng XPS 13 còn sử dụng hệ thống bản lề kép với góc mở màn hình đến 360 độ, cho phép tùy biến sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn bên cạnh việc sử dụng như một laptop chuẩn, bạn có thể gập màn hình theo dạng lều khi xem phim hoặc dựng đứng như một thiết bị đọc sách điện tử.
Đi kèm là bút active pen (giá khoảng 60 USD nếu bạn mua riêng) có thể nhận biết 1.024 mức cảm ứng lực khác nhau. Kết hợp cùng bộ phần mềm Windows Ink được Microsoft bổ sung trong bản cập nhật Creators giúp cải thiện sự tương tác giữa người và máy một cách tự nhiên hơn. Bạn có thể xem màn hình laptop như thể tờ giấy để ghi lại những ý tưởng bất chợt, tạo mẫu đồ họa, tô màu hay thậm chí tạo lịch nhắc bằng cách viết trực tiếp lên nó.
Màn hình InfinityEdge
Màn hình là một trong các điểm nổi bật của XPS 15 với viền siêu mỏng, độ phân giải 4K UHD (3.840 x 2.160 pixel) cùng khả năng tái tạo xuất sắc dải màu theo tiêu chuẩn Adobe RGB. Công nghệ tấm nền IGZO2 không chỉ tăng mật độ điểm ảnh cao hơn, mang lại chất lượng hình ảnh mịn và sắc nét hơn mà còn giúp thu hẹp đường viền màn hình (bezel). Ngoài ra, IGZO2 còn có mức tiêu thụ năng lượng chỉ bằng 1/3 so với LCD truyền thống. Điều này giúp các nhà sản xuất có nhiều tùy chọn hơn trong thiết kế sản phẩm.
Về chất lượng màn hình cũng được đánh giá cao với khả năng hiển thị dải màu đạt 100% theo chuẩn Adobe RGB. Tức bạn có thể dùng XPS 15 của Dell cho cả công việc chuyên về đồ họa, đòi hỏi độ chính xác về màu sắc. Định lượng bằng thiết bị Spyder 4 Elite cho thấy độ sáng thực tế đạt 260,7 nit, độ tương phản tĩnh 570:1 nên khi sử dụng ngoài trời hoặc trong môi trường ánh sáng phức tạp, bạn vẫn có thể đọc được nội dung văn bản ở co chữ 7 point trên cả hai màu nền đen hoặc trắng một cách dễ dàng.
Bảng so sánh Color Gamut của màn hình XPS 13 (trái) và XPS 15 (phải).
Cổng giao tiếp hạn chế
Để giải quyết bài toán mỏng nhẹ trong thiết kế, Dell đã lược bỏ một số thành phần kém quan trọng. Cụ thể bên cạnh đầu đọc SD card và ngõ cắm headphone, XPS 15 chỉ có 2 cổng USB 3.1 hỗ trợ PowerShare, 1 cổng USB 3.1 type C kết hợp giao tiếp Thunderbolt 3 lẫn ngõ xuất hình DisplayPort 1.2 trong cùng kết nối vật lý.
Trong khi đó, XPS 13 chỉ trang bị sẵn 2 cổng USB 3.1 type C tích hợp Thunderbolt 3 lẫn DisplayPort 1.2. Đi kèm là 2 cáp chuyển đổi từ USB type C sang USB type A và sang HDMI trong trường hợp màn hình ngoài không hỗ trợ. Tuy nhiên về cá nhân, mình không đánh giá cao việc sử dụng adapter chuyển đổi, so với việc tích hợp trực tiếp vô trong máy thì sẽ tiện hơn cho người dùng.
Đánh giá hiệu năng
XPS 13 trang bị màn hình 13,3 inch chuẩn QHD+, chip Core i5-7Y54, 8GB LPDDR3 và SSD M.2 dung lượng 256GB. Xét tổng thể hiệu năng sản phẩm chỉ thích hợp để chạy ứng dụng văn phòng, giải trí đa phương tiện hoặc chơi các tựa game đơn giản khi giải trí. Tất nhiên đây không phải là nhược điểm của XPS 13 vì xét cho cùng cấu hình phần cứng mẫu thiết bị lai của Dell nhấn mạnh vào tính di động linh hoạt và thời gian dùng pin hơn là sức mạnh tính toán hay năng lực xử lý đồ họa.
Nói thêm về Kaby Lake i5-7Y54 thì đây là bộ xử lý được Intel thiết kế hướng đến những sản phẩm “2 trong 1”, chú trọng vào khả năng di động của thiết bị hơn là về hiệu năng. Trong thiết kế chip dòng Y, Intel đã khống chế mức tiêu thụ năng lượng (TDP) ở 4,5W và thậm chí xuống 3,5W.
Thiết bị sẽ có thời gian dùng pin tốt hơn, hoạt động êm, mát hơn và thậm chí không cần quạt làm mát để tiết kiệm năng lượng nhiều hơn. Và cái giá phải trả là sức mạnh bộ xử lý bị giới hạn đáng kể so với chip dòng U và càng không thể sánh cùng chip HQ dùng trong XPS 15.
So sánh hiệu năng XPS 13 (trái) và XPS 15 (phải) qua công cụ PCMark 10.
Tất nhiên giới hạn của đồ họa GTX 1050 là chỉ đáp ứng nhu cầu chơi game ở độ phân giải 1080p với đồ họa chất lượng cao chứ chưa đạt mức cao nhất như mẫu HP Omen và Dell Alienware 15 mình từng thử nghiệm. Tuy nhiên với việc trang bị đến 4GB GDDR5, XPS 15 có ưu thế bộ nhớ đồ họa trong các game, ứng dụng đồ họa nặng cần nhiều bộ nhớ hơn so với thông thường. Xem chi tiết kết quả thử nghiệm trong biểu đồ trên.
Thời gian dùng pin
Về thời gian dùng pin nhận qua phép thử PCMark 8, cấu hình máy chế độ High Performance và độ sáng màn hình giảm tương đương chế độ dùng pin. Thời lượng dùng pin liên tục của XPS 15 đạt khoảng 4 giờ 30 phút khi chạy các tác vụ duyệt web, nhập dữ liệu, chỉnh sửa hình ảnh, video chat và cả chơi game giải trí. XPS 13 cũng đạt kết quả khá tốt với 4 giờ 16 phút, tức chỉ kém một chút so với XPS 15 trong cùng phép thử.
Đây cũng là kết quả cao nhất trong phép đánh giá thời lượng pin qua công cụ PCMark 8 mình từng thử nghiệm với laptop màn hình chuẩn QHD+ và 4K UHD. Lưu ý là nó tiêu thụ năng lượng gấp nhiều lần so với màn hình Full HD xét cùng kích cỡ.
Tổng quan sản phẩm
Có lẽ phải tính cả XPS 12, mẫu thiết bị lai với bàn phím rời, để vẽ được bức tranh tổng quát về dòng XPS 2017 của Dell. So với thế hệ cũ, XPS mới đã có sự thay đổi cả về ngôn ngữ thiết kế, vật liệu chế tạo lẫn cấu hình phần cứng. Cả hai sản phẩm không chỉ ấn tượng người dùng bởi sự tiên phong trong thiết kế màn hình viền siêu mỏng, độ phân giải 4K với khả năng tái tạo xuất sắc dải màu theo tiêu chuẩn Adobe RGB.
Đặc biệt XPS 13 có khả năng xoay gập màn hình 360 độ để dùng như máy tính bảng. Sản phẩm có giá tham khảo 39,9 triệu đồng, cấu hình phần cứng dựa trên nền tảng Kaby Lake ULV có mức tiêu thụ năng lượng rất thấp, nhấn mạnh vào khả năng di động và sự tương tác giữa thiết bị với người dùng.
Tương tự XPS 15 9560 cũng thể hiện được giá trị của một sản phẩm cao cấp; từ kiểu dáng bề ngoài, chất lượng màn hình đáp ứng công việc đồ họa, đòi hỏi sự chính xác màu sắc và cả cấu hình phần cứng mạnh không kém laptop chơi game hiện nay. Tuy vậy, trở ngại đầu tiên bạn phải vượt qua là sản phẩm có giá vào khoảng giá 51,9 triệu đồng.