Windows 11 có rất nhiều thay đổi ở sâu bên trong, nó sẽ nhanh hơn so với Windows 10 và Microsoft làm điều này bằng cách nào thì Steve Dispensa - phó chủ tịch mảng Enterprise Management của Microsoft đã chia sẻ khá chi tiết trong video dưới đây:
Đầu tiên là về hệ thống quản lý tài nguyên (phần cứng), Dispensa đã trình diễn tốc độ khởi chạy ứng dụng mới khi CPU đang bị chiếm dụng bởi một ứng dụng khác với tỉ lệ đến 90%. Thông thường thì khi một ứng dụng đang chiếm phần lớn tài nguyên CPU như vậy thì việc mở thêm các ứng dụng khác sẽ trở nên chậm hơn, ứng dụng mới sẽ mất nhiều thời gian hơn để khởi chạy. Điều này được thay đổi trên Windows 11 với cơ chế ưu tiên xử lý các ứng dụng và tiến trình một cách thông minh hơn. Những ứng dụng khởi chạy sẽ được nhận diện là ứng dụng ưu tiên chạy trước (foreground) và hệ thống sẽ phân bổ tài nguyên phần cứng để khởi chạy hoàn tất các ứng dụng này, từ đó trải nghiệm sử dụng sẽ nhanh và ít bị lag hơn. Cơ chế này áp dụng chung cho nhiều thành phần khác trên Windows như Windows shell và điển hình là trình duyệt Edge với tính năng Sleeping Tab. Microsoft nhắc lại rằng với tính năng Sleeping Tab thì trình duyệt đã giảm tỉ lệ chiếm dụng bộ nhớ trung bình 32% và với CPU là 37%.
Về việc phục hồi trạng thái hoạt động của máy từ chế độ Sleep, Windows 11 cũng cải tiến phần này. Dispensa dẫn ví dụ về việc chúng ta tắt màn hình và mở lại trên smartphone, tốc độ phục hồi trạng thái hoạt động rất nhanh. Trên máy tính, khi đưa máy về trạng thái Sleep (trạng thái điện năng S3) thì RAM vẫn hoạt động trong khi phần lớn các linh kiện khác sẽ tạm ngưng. Khi đánh thức máy tính từ trạng thái Sleep, để tăng tốc độ phục hồi thì Microsoft cải tiến cơ chế gọi các phần cứng trở lại hoạt động và phân bổ điện năng cho các luồng xử lý đã được ưu tiên sẵn của CPU, từ đó giảm 25% thời gian phục hồi từ trạng thái Sleep.
Microsoft tích hợp các cơ chế nén dữ liệu mới để giảm tỉ lệ chiếm dụng bộ nhớ lưu trữ của Windows 11 và áp dụng cơ chế nén này để giảm dung lượng gói cập nhật, từ đó tổng dung lượng của gói cập nhật giảm 40% so với Windows 10.
Nguồn: https://tinhte.vn/