MacBook Air mở ra một thể loại laptop mỏng nhẹ hoàn toàn mới, và nó đã thay đổi cách chúng ta nhìn laptop hiện nay, cũng như thay đổi cách mà thị trường laptop vận hành để đưa những sản phẩm tốt hơn đến tay người dùng.
Vào thời điểm đó, các đối thủ của Apple đã bắt đầu bán máy tính mỏng nhẹ, nhưng tính ra chúng vẫn còn khá dày và nặng cỡ 1,3kg trong khi màn hình chỉ cỡ 8' hoặc 11' mà thôi. Thời gian này những chiếc netbook cũng bắt đầu rục rịch ra mắt nhưng lại một lần nữa, màn hình nhỏ, cấu hình yếu nên chúng không làm được nhiều chuyện. Chưa kể đến việc những chiếc máy tính kiểu này không có bàn phím kích thước lớn.
Vậy mà MacBook Air khắc phục được tất cả những thứ trên. Độ mỏng chỗ dày nhất của Air vẫn mỏng hơn so với Sony TZ, một trong những laptop mỏng nhất năm 2008. Và không phải chịu cảnh màn hình nhỏ, người dùng vẫn có một màn hình 13' để làm việc, cùng bàn phím kích thước lớn giống bao chiếc MacBook khác, cộng với con chip Intel 2 nhân. Nếu gọi đây là một kiệt tác công nghệ và kĩ thuật thì cũng không sai.
Ngay cả con CPU của MacBook Air cũng không phải là loại mà bất kì hãng sản xuất nào có thể mua được trên thị trường. Con chip này được Intel tùy biến riêng cho Air nhằm đáp ứng yêu cầu của Apple về thời gian dùng pin, độ mỏng và tản nhiệt. Đến năm 2008 Air mới chuyển về sử dụng lại CPU tiêu chuẩn của Intel. MacBook Air cũng là một trong những chiếc MacBook đầu tiên sử dụng bàn rê chuột cảm ứng đa điểm, một công nghệ được mang từ chiếc iPhone của hãng lên máy tính, cũng như các ổ SSD mới.
Và cũng như nhiều máy tính Apple từ đó đến nay, MacBook Air bị rất nhiều người chỉ trích vì số cổng kết nối hạn chế, không có ổ đĩa quang và dựa hoàn toàn vào kết nối Wi-Fi để truy cập Internet. Ở thời nay thì những thứ này rất bình thường, nhưng ở năm 2008 việc bỏ cổng Ethernet bị cho là điên rồ, việc không có ổ quang bị chỉ trích là điên khùng. 3 năm sau đó, mọi chuyện thay đổi, Wi-Fi thống trị, ổ quang chia tay cuộc chơi, và mọi chuyện như thế nào thì bạn đã rõ. Giờ laptop tích hợp ổ quang không còn nhiều, và DVD, CD cũng không còn giá trị trong phần lớn các mặt của thế giới công nghệ.
Thứ khó nhất để tiếp cận một chiếc MacBook Air chính là giá bán. Ở thời điểm mới ra mắt, máy có giá 1799$, rất rất đắt vào năm 2008. Dù bây giờ MacBook Air đã đi xuống phân khúc 'bình dân' với giá khởi điểm chỉ 999$ nhưng giá của máy vẫn cao hơn so với mặt bằng chung của nhiều đối thủ.
Các nhà sản xuất máy tính Windows phải mất nhiều năm mới đuổi kịp Air. Intel khởi động cho một chiến dịch 'tổng tấn công' bằng cách đưa ra khái niệm Ultrabook và những dòng chip tiết kiệm điện được thiết kế riêng cho các máy này. Ultrabook đi theo hướng giống MacBook Air: không ổ quang, không rườm rà, tập trung vào thiết kế, trọng lượng để thu hút khách hàng. Và hướng đi này đã có kết quả khi nó sinh ra rất nhiều những chiếc laptop đẹp, giá ngày càng thấp đi, đồng nghĩa với việc người dùng càng lúc càng dễ tiếp cận những sản phẩm mỏng nhỏ nhẹ hơn. MacBook Air đã tạo ra một cuộc cạnh tranh lớn, và tất nhiên, người tiêu dùng vẫn hưởng lợi nhiều nhất.
MacBook Air vẫn dẫn trước một chút tính về mặt hoàn thiện, nhưng tới vài năm gần đây thì các hãng Windows đã vượt lên trên và đưa ra những chiếc máy thậm chí còn tốt hơn cả Air. Ở năm 2018 này, chúng ta có rất nhiều máy tính mỏng nhẹ đẹp, ví dụ như Dell XPS 13, Asus ZenBook, Acer Swift, HP Envy, x360, cả Surface Laptop từ chính Microsoft nữa.
Trong khi đó, Apple vẫn không có nhiều đổi mới về thiết kế của MacBook Air so với những gì hãng làm hồi năm 2011. Apple giữ MacBook Air như một lựa chọn giá rẻ cho những ai muốn tiếp cận với Mac cũng như nhắm đến giới sinh viên, văn phòng. Sản phẩm mỏng hơn, đẹp hơn MacBook Air là MacBook 12 có màn hình Retina mới và đây mới là cái máy mà Apple tập trung công lực để bán.
Vẫn có khả năng Apple làm mới MacBook Air, nhưng trong bối cảnh đã có MacBook 12' và MacBook Pro 13', cả hai đều mỏng nhẹ, đều có màn hình đẹp thì khả năng này khó xảy ra. Chiếc MacBook Air giờ đã cũ và có lẽ không lâu nữa nó sẽ bị khai tử mà thôi.