Khi thiếu thốn thiết bị cộng với áp lực về thời gian lại có thể làm nảy sinh những ý tưởng độc đáo, mang lại những bức ảnh giá trị như tấm bìa tạp chí Natgeo sau đây.
Mới đây tạp chí National Geographic Italia (NatGeo) đã cho đăng tải bức ảnh bìa độc đáo mà tác giả của nó là nhiếp ảnh gia Alessandro Barteletti, chụp lại khi ông đi cùng phi hành gia Paolo Nespoli trong chuyến huấn luyện tại Liên bang Nga.
Alessandro Barteletti đã đồng ý hợp tác với tạp chí địa lý Mỹ về việc thực hiện bộ ảnh đề tài du hành vũ trụ, mà chủ yếu trong đó là quá trình diễn tập trước khi được đưa lên trạm vũ trụ ISS để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 6 tháng của phi hành gia 60 tuổi đầu tiên trong lịch sử, Paolo Nespoli.
Nhờ có chương trình này mà cả 2 đã được đi vòng quanh thế giới, đến các địa điểm khác nhau để chuẩn bị. Và để phi hành gia “lão niên” có thể thích nghi trong quá trình phóng tàu, đưa người lên ISS thì họ đã được đưa tới thành phố Ngôi Sao, nằm ở đông bắc thủ đô Moskva, luyện tập với thiết bị mô phỏng mô-đun Soyuz.

Soyuz là tàu vũ trụ của Nga dùng để đưa các nhà du hành vũ trụ lên không gian, các nước khác tham gia ISS đều để các phi hành gia “đi ké” tàu Nga lên trạm.
Cơ quan quản lý trung tâm huấn luyện đã đồng ý cho Alessandro Barteletti bước vào mô-đun cùng Paolo Nespoli, trong vài phút để thực hiện bộ ảnh. Và cuộc sống với vô vàn điều bất ngờ đã tạo ra một tình huống có một không hai:
“Tôi mang theo chiếc Nikon D3 gắn ống góc rộng vào mô-đun, nhưng khi mà tôi còn chưa kịp làm gì thì phát sinh tình huống ngoài dự tính: tất cả đèn đều tắt, không gian trở nên tối om và từ bên ngoài họ bắt đầu gõ cửa để báo rằng tôi chỉ có 1 phút ở trong này. Tôi cảm thấy bối rối, đây là khung cảnh lý tưởng hiếm có không muốn nói là một trong những nơi tuyệt nhất. Ở ngoài kia có đèn led, nhưng nếu tôi bước ra thì sẽ không được quay nữa vào dù chỉ 1 giây.” – Alessandro cho biết.

Alessandro lập tức thảo luận nhanh với Paolo và phi hành gia lớn tuổi cũng cho rằng việc ra ngoài mà không có kết quả gì thì không phải là lựa chọn hay ho. Và nhiếp ảnh gia người Italia đã ứng biến với chiếc iPhone của mình:
“Tôi chợt nhớ ra mình có mang điện thoại theo người, thế rồi tôi rút ra, bật đèn pin tích hợp lên, đặt nó sau 2 tấm panel ở phía sau Paolo. Do mô-đun chỉ rộng có 2 mét, nên ánh sáng này cũng vừa đủ. Ngay sau đó, tôi chỉ có thể chụp 2 tấm toàn cảnh và 2 tấm chân dung trước hạn chót vài giây.”
Cũng bất ngờ không kém, NatGeo đã chọn một tấm làm ảnh bìa cho mình, điều đó làm ông cảm thấy kinh ngạc khi nó được chụp với một chiếc máy ảnh đã 10 năm tuổi và đèn pin trên điện thoại.
Thông qua hoàn cảnh “éo le cây me” trên, bạn có thể thấy rõ ràng khả năng đặc biệt của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Có thể họ không phải là những người chụp ảnh đẹp nhất, nhưng họ là người có nhiều kinh nghiệm và biết cách xử lý tình huống để hoàn thành công việc một cách xuất sắc.
Nếu tò mò về công việc của Alessandro Barteletti, các bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây
Theo DPReview