Vụn gỗ và sợi sau khi đã xử lý hóa học trước khi được dùng để tạo ra sợ nano xenlulo, chúng được làm dẻo và nhào cùng với nhựa.
Các chuyên gia dự đoán, vật liệu sợi nano xenlulo có thể thay thế cho thép trong những thập kỷ sắp tới, mặc dù chúng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ vật liệu carbon và còn chặng đường dài trước khi được thương mại hóa.
Việc giảm khối lượng của xe trở nên thiết yếu do xu hướng sản xuất xe điện của các hãng. Ắc-quy là phụ kiện đắt đỏ và cần thiết cho xe, giảm khối lượng thân vỏ cho phép giảm lượng ắc-quy cần thiết để vận hành, cắt giảm chi phí.
Quản lý, giám sát dự án thiết kế xe Masanori Matsushiro tại Tập đoàn Toyota (Nhật Bản) cho biết việc giảm khối lượng xe là vấn đề thường trực, tuy nhiên cũng phải cân nhắc đến chi phí trước khi sản xuất đại trà xe ôtô bằng vật liệu mới cho dù chúng có nhẹ hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) và một số hãng cung cấp linh kiện như tập đoàn Denso, Daikyo Nishikawa đang hợp tác để tạo ra vật liệu kết hợp giữa nhựa và sợi nano xenlulo, có kích cỡ một phần vài nghìn milimet.
Sợi nano xenlulo được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ mực in cho tới màn hình trong suốt nhưng tiềm năng của vật liệu trong xe hơi chỉ được kích hoạt từ khi có 'Nghị định thư Kyoto'. Theo đó, các sợi gỗ sau khi xử lý hóa học được nhào trộn với nhựa, đồng thời bị chia nhỏ thành các sợi nano, cắt giảm chi phí sản xuất xuống khoảng một phần năm so với các quy trình khác.
Giáo sư Hiroyuki Yano tại Đại học Kyoto, người dẫn đầu dự án nghiên cứu sử dụng sợi từ bột gỗ để tạo ra linh kiện ôtô.
Trao đổi với báo giới, Giáo sư Hiroyuki Yano, người dẫn đầu dự án nghiên cứu cho biết các sợi nano xenlulo có chi phí thấp, tính ứng dụng cao trong việc sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp xe hơi và hàng không. Đại học Kyoto cùng với các nhà cung cấp linh kiện xe hơi đang phát triển một mẫu ôtô sử dụng sợi nano xenlulo, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Bên cạnh nhựa và sợi nano xenlulo, các hãng sản xuất ôtô cũng dùng vật liệu siêu nhẹ khác. BMW đã ứng dụng polymer gia cố sợi carbon (CFRPs) cho mẫu xe điện i3 cùng với 7 mẫu khác trong khi thép cường độ cao và hợp kim nhôm được dùng rộng rãi do tính nhẹ, giá rẻ và có thể tái chế.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý