Hóa thạch được phát hiện lần đầu tại Arlington, bang Texas (Mỹ) bởi chàng trai 15 tuổi có tên Austin Motheral. Một nhóm thợ săn hóa thạch không chuyên và tình nguyện viên đã kết hợp với các nhà cổ sinh vật học tại Đại học Tennessee, khai quật bộ xương trong suốt 10 năm qua.
Những mảnh xương thuộc về một loài cá sấu chưa từng biết đến, được đặt tên Deltasuchus Motherali, giống với tên người đầu tiên tìm ra chúng. Loài vật từng sống tại Texas 95 triệu năm trước, thời kỳ nơi này bị bao phủ bởi nước biển. Đây cũng là địa điểm có hệ sinh thái đa dạng, là nơi trú ngụ của khủng long, cá sấu, rùa, thú có vú, động vật lưỡng cư, cá, loài thân mềm và các loài cây.
Dù có hệ sinh học phong phú, manh mối từ thời kỳ này không phải dễ dàng tìm thấy. Stephanie Drumheller-Horton, một nhà cổ sinh vật học trong nhóm nghiên cứu cho biết các hóa thạch thuộc giữa kỷ phấn trắng rất hiếm, một nửa phía đông của châu Mỹ gần như không có nhiều thông tin. Việc phát hiện bộ xương cá sấu khổng lồ cùng với một số loài khác gần đây đã đem đến nhiều thông tin quan trọng về cơ cấu sinh học trong khu vực.
Các nhà khoa học từng phải chạy đua trong việc khai quật hóa thạch. Deltasuchus Motherali được tìm thấy thuộc trung tâm Dallas-Fort Worth Metroplex, nơi có nhiều tòa nhà cao tầng đang xây dựng. Nhóm hy vọng có thể đào xới tìm kiếm nhiều nhất có thể trước khi khu vực trở nên không thể tiếp cận.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý