Nhưng thực chất vẫn còn một chiếc điện thoại khác chia sẻ rất nhiều điểm chung với iPhone X nhưng không nhiều người nhớ tới: Palm Pre. Từ tận năm 2009, Palm Pre đã có sạc không dây, có điều khiển vuốt, có thanh home trắng nằm ở cạnh dưới màn hình thay cho phím home tròn truyền thống. Bản thân chiếc máy này cũng sở hữu nhiều đặc điểm mà sau đó Google và Apple đã mang lên các nền tảng của riêng họ.
Sạc không dây
Ở cái thời mà sạc không dây vẫn còn là một thứ cực kì 'trên mây' thì Palm đã quyết định tích hợp nó vào chiếc Pre - một trong những chiếc điện thoại được thiết kế lại hoàn toàn để cạnh tranh với iPhone. Vì Palm là hãng điện tử lớn đầu tiên đưa sạc không dây vào điện thoại của nó nên nó không theo chuẩn nào cả, Palm phải tự phát triển tất cả mọi thứ, rất đáng ghi nhận tuy tốc độ sạc chậm hơn nhiều so với ngày nay. Thực ra tới nay các chuẩn không dây vẫn còn đang chia làm hai phe khác nhau: Qi và Rezence. Apple chọn Qi, HTC, Nokia và LG cũng chơi với Qi, trong khi Samsung hỗ trợ cả hai chuẩn luôn.
Quay trở lại với Palm Pre, bạn có thể thấy rằng cục sạc không dây của máy được thiết kế rất thanh và đẹp. Nó sử dụng nam châm để cố định máy không bị trượt, nhờ vậy Pre có thể nằm một góc nghiêng hợp lý để bạn dễ xem thông tin hơn khi sạc nó trên bàn làm việc hay trên kệ giường ngủ. Sau này các hãng không còn làm theo kiểu nghiêng như thế này nữa, họ làm các đế sạc phẳng và máy sẽ nằm sát xuống mặt bàn.
Vì sao các đời iPhone trước không có sạc không dây? Ngoài những lý do riêng của Apple liên quan đến việc chuẩn hóa và các liên minh công nghệ, một nguyên nhân có thể thấy rõ đó là vỏ iPhone làm hoàn toàn bằng nhôm và chất liệu này sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến việc truyền điện xuyên qua vỏ. Thực chất vấn đề vỏ kim loại cũng có thể giải quyết được, theo giám đốc sản phẩm của HTC, có lẽ Apple chỉ đơn giản là chưa muốn. Một số nhà bình luận cũng cho rằng tính năng sạc không dây cũng chỉ là 'nice to have', tức là có thì tốt, không có cũng không sao, trong khi hãng cần phải phát triển những tính năng 'must have' khác vì nó quan trọng với việc kinh doanh và chiến lược của công ty hơn.
Điều hướng vuốt
iPhone X bỏ nút home, nên để quay lại home bạn phải vuốt từ cạnh dưới lên trên. Để chạy đa nhiệm, bạn vuốt lên và sang trái.
Tất cả đều chẳng có gì mới với những ai từng xài qua thiết bị webOS - hệ điều hành được Palm viết ra để chạy trên thế hệ thiết bị mới của họ (sau đó được bán lại cho HP rồi qua tay LG, hiện đang dùng cho Smart TV của LG). Tất nhiên cách thiết kế cử chỉ của Palm hơi khác một tí, ví dụ với webOS bạn chỉ cần vuốt lên là có thể xem giao diện thẻ đa nhiệm rồi, còn nếu vuốt nửa chừng thì để lộ dock cho phép chạy nhanh các app bạn hay sử dụng. Nhưng về cơ bản, ý tưởng vuốt để điều hướng này không mới. Sau đó Nokia cũng đã từng dùng nó cho MeeGo và cụ thể hơn là chiếc Nokia N9, rồi tới BlackBerry với các máy BB10.
Thời đó, Palm trang bị những chức năng này không phải để có viền màn hình mỏng (công nghệ sản xuất màn hình của năm 2009 chưa cho phép làm điều này). Thay vào đó, họ muốn mở ra các chiều tương tác mới dành cho người dùng của mình. Ở chiếc Palm Pre đời đầu còn có nút home vật lý với cùng chức năng như thao tác vuốt lên, nhưng từ đời 2 trở đi Palm đã bỏ hẳn nút này và thay bằng một dải đèn LED nhỏ để báo hiệu cho người dùng biết họ sẽ cần vuốt lên từ vị trí đó. Và thật 'tình cờ', iPhone X cũng dùng một dải màu xám nhỏ trên màn hình để báo hiệu khu vực vuốt cho người dùng.
Một thời gian sau, Palm trang bị rất rất nhiều thao tác, ví dụ vuốt để back, vuốt dài để đổi app, khi xoay ngang máy bạn có thể vuốt để cuộn, thậm chí còn có một thứ gọi là 'Meta tap' để copy và dán các shortcut nữa, kiểu như bạn đang bấm phím Alt trên máy tính của mình. Tất cả những thứ này có thể quen thuộc với người dùng Palm nhưng với một người mới hoàn toàn thì cần thời gian để làm quen. Điều tương tự cũng diễn ra với BB10.
Những thứ 'đầu tiên' khác của Palm
Không chỉ có sạc không dây và cử chỉ vuốt, webOS còn có nhiều tính năng mà sau này Android và iOS đã copy lại. Ví dụ, chức năng Universal Search cho phép bạn tìm kiếm tất cả mọi thứ từ tin nhắn, email, nhạc cho đến danh bạ sau này được Android và iOS tận dụng triệt để. Phong cách không sử dụng app drawer mà trải hết icon ra màn hình chính cũng Palm đi tiên phong trong những chiếc máy rất lâu đời của họ. Notification có thể vuốt cũng chẳng phải là Android đi đầu, webOS có từ lâu rồi.
Hệ điều hành này còn hỗ trợ lấy thông tin và cập nhật từ nhiều nơi như email, Twitter, Facebook rồi kết hợp lại để bạn xem trên chiếc Pre của mình, hơi giống như People Hub của Windows Phone. Và webOS cũng đã hỗ trợ cập nhật Over The Air từ rất lâu rồi, bạn có thể nâng cấp phần mềm cho máy mà không cần phải xài dây USB. Hơn thế nữa, giao diện của webOS và các phần mềm viết cho nó có thể vừa với nhiều kích thước màn hình khác nhau một cách tự động. Nó cũng có tính năng vuốt góc trên bên phải màn hình để mở khu vực thông báo nữa, giống hệt như iPhone X.
Nhưng với mình, thứ quan trọng nhất mà webOS đã tạo ra chính là giao diện dạng thẻ khi chạy đa nhiệm. Mỗi app sẽ nằm trong một thẻ với hình ảnh xem trước nội dung của chính ứng dụng đó. Thời 2009-2010 Android và iOS vẫn còn đang thể hiện giao diện chuyển đổi app đa nhiệm chỉ bằng một loạt icon mà thôi khiến người dùng khó phân biệt hơn và mất nhiều thời gian hơn để chọn đúng app mà họ mong muốn. Nếu nói Palm Pre và webOS đi trước thời đại thì cũng không sai. Giờ thì vụ multitask với giao diện thẻ đã xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ Windows cho đến macOS, từ Android đến iOS hay Windows 10 Mobile.
Chưa hết, giao diện đa nhiệm này không chỉ đơn giản là nơi liệt kê các app bạn đã xài gần đây như cách mà Android và iOS đang làm. Với webOS, các app này thật sự vẫn còn đang chạy, bạn có thể sắp xếp chúng lại hay gạt lên để đóng app, hơi giống như cách bạn di chuyển các cửa sổ trong Windows và Mac. Với một số ứng dụng, bạn có thể mở nhiều 'cửa sổ', ví dụ như mỗi cửa sổ chứa một email chẳng hạn. Chúng có thể được nhóm lại với nhau để đảm bảo luôn đi cùng và dễ thao tác hơn. Tới nay chưa có hệ điều hành di động nào copy lại chức năng này cả.
Giao diện của webOS trên tablet
Thử nghĩ mà xem, với chức năng này (và giả sử bạn đã quen cách xài), bạn có thể làm được nhiều việc hơn với thời gian ngắn hơn và độ tiện lợi cao hơn trên webOS so với khi bạn dùng Android hoặc iOS. Tất nhiên cũng có đánh đổi, giao diện phức tạp này khiến máy chạy chậm hơn vì phần cứng những năm 2009 - 2010 vẫn còn rất yếu. Có thể đây cũng là một trong những lý do vì sao Google và Apple không vội copy hệ thống multitask mà Pre đang dùng.
Quá khứ đã qua
Tất nhiên, bên cạnh những điểm tuyệt vời trên thì webOS còn có rất nhiều điểm khiến nó thất bại. Phần cứng của những chiếc Pre không làm người ta trầm trồ và cũng không tạo sự thu hút rõ ràng với đại đa số người dùng, máy chạy khá chậm, và bản thân Palm cũng không nhận được nhiều hỗ trợ từ các nhà mạng lớn ở Mỹ để tăng doanh số. Kết cục anh em cũng đã biết rồi, Palm chia tay cuộc chơi, webOS và bằng sáng chế bị bán cho nhiều bên, để rồi cái tên Palm trôi mất khỏi thị trường mà một thời anh ấy đã cùng với BlackBerry tỏa sáng.
Đây cũng là bằng chứng cho việc anh làm thứ gì đó đầu tiên không đồng nghĩa với việc anh sẽ thành công. Cách anh ứng dụng nó lên thiết bị như thế nào, cách anh bán máy ra sao, cách anh 'huấn luyện' người dùng để có thể dùng được những thứ phức tạp... đều có ảnh hưởng tới sự thành công của một chiếc smartphone. Apple lại làm rất tốt chuyện này, họ không làm nhiều thứ 'đầu tiên', nhưng họ lại thành công trong việc phổ cập một công nghệ nào đó ra thị trường để rồi các hãng khác phải chạy theo. Một phần vì danh tiếng, một phần vì sức ảnh hưởng, một phần vì cạnh tranh nữa. Thực tế, Apple làm chuyện này tốt hơn bất kì công ty nào trong thị trường di động.
Và cũng đừng quá ngạc nhiên hay khó chịu khi một tính năng của Android xuất hiện trên iOS, hay một cái nổi bật nào đó của iOS được mang sang Android. Thời đại này là 'I copy you, you copy me'. Bản thân các hãng đang 'học hỏi', hay sao chép, lẫn nhau từng ngày và ai cũng muốn đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của mình, ai cũng muốn bán được nhiều máy nhất có thể và ai cũng muốn doanh số cao cả. Chuyện copy này là có thể chấp nhận được, vì cuối cùng, người dùng chúng ta sẽ là những người được hưởng lợi. Sự khác biệt giữa điện thoại ở thời đại này sẽ là thiết kế, màn hình, camera, một ít về phần mềm, và quan trọng hơn hết: hệ sinh thái app, phụ kiện, nhà phát triển và lượng nội dung dành cho nền tảng đó ra sao.
Tham khảo: The Verge