Cứ mỗi dạo cuối năm, mình lại thấy thị trường nói chung và việc mua bán điện thoại nói riêng lại sôi động hơn hẳn! Có lẽ ai cũng biết lý do là vì các nhãn hàng thi nhau giảm giá khá mạnh trong thời gian này. Nhưng còn thêm một điều khá đặc biệt nữa, bạn biết là gì không?
Theo mình: Một trong những yếu tố góp phần 'thúc đẩy' các giao dịch chính là những phi vụ trộm cắp, nạn giật đồ hoành hành trong những ngày cận Tết.
Và nhân tiện nói đến nạn cướp giật, mình cũng xin kể lại 2 câu chuyện có thật vừa xảy ra ở Việt Nam. Mục đích thứ nhất là để nhắc nhở mọi người cảnh giác hơn và điều thứ hai là để chứng minh rằng, iCloud vốn rất an toàn, chỉ trừ khi người dùng lơ là - mất cảnh giác giống 2 nhân vật dưới đây.
Mẹo hay, bạn nhớ quay lại đọc: Bảo vệ an toàn tài khoản Apple ID của bạn với 4 cách đơn giản sau
Câu chuyện thứ nhất là lời tự trách của một chàng IT nọ, vì lười gõ địa chỉ và kiểm tra kỹ đường link (không chính chủ Apple) mà anh phải nuốt quả đắng. Cụ thể, anh này có một cô bạn gái vừa bị giật mất iPhone 6 Plus. Ngay lập tức, chàng vào iCloud bật Lost Mode (Chế độ mất cắp) trên web và điền số điện thoại của mình để điện thoại bị cướp hiển thị mỗi khi nó được bật!
Nhưng không, có lẽ anh chẳng biết rằng chính mình đang tạo ra một manh mối khá thú vị cho bọn cướp. Bằng cách nhắn một đường link lạ (na na với tên miền của Apple) vào số điện thoại được cung cấp, kết hợp với 'thiên thời' rằng anh này vừa tình cờ đi phượt về hơn 200 cây số còn mệt mỏi. Không một chút nghi ngờ, chàng IT đã truy cập link, nhập hẳn mật khẩu cùng tài khoản iCloud của mình đang liên kết với cái iPhone bị mất.
Thế là chỉ chưa đầy 3 giây, ở một nơi xa xôi nào đó, bọn trộm đã có được pass iCloud của anh này và tiến hành xoá chiếc điện thoại bị giật ra khỏi danh sách tài khoản. Tức là kể từ lúc ấy, chiếc iPhone đó đã được trả tự do và hợp thức hoá dù vị chủ nhân trước không hề nhận được một khoản tiền sang nhượng nào!
Tiếp đến, câu chuyện thứ hai và cũng là cuối cùng nói về chị em phụ nữ - những người thường không quá quan tâm đến việc bảo mật tài khoản. 'Có hay không cũng không quan trọng!' và luôn có xu hướng 'để mọi thứ vào chung một rổ', mất một cái là mất hết!
Nói thì nói vậy nhưng chính chúng ta cũng hay có thói quen như nạn nhân của vụ mất trộm điện thoại này: Sử dụng những dịch vụ xác minh danh tính thông qua số điện thoại. Bạn cho rằng đó là cách bảo mật 2 lớp vi diệu, khó có thể vượt rào?
Ôi không hề - thật tệ khi phải nói điều đó! Nhưng bạn biết vì sao không?
Đoạn status nói về vấn đề bảo mật bằng SMS dùng chung trên điện thoại chính!
Chính vì chọn cách bảo mật bằng SMS, khi mất điện thoại (đặc biệt là cái bạn đang dùng chính có chứ các thông tin nhạy cảm, pass ngân hàng,...) mà đồng thời thiết bị đó cũng đang gắn chiếc sim để xác minh danh tính thì... xin thua.
Bởi như vậy, bạn vừa cho những tên trộm hay nơi tiêu thụ hàng cuỗm một công cụ khá đắt! Cụ thể, theo chia sẻ của những người có am hiểu thì sau khi cướp iPhone có cài iCloud thì bọn trộm sẽ:
- Tra trong dãy code nào đó để lấy được email liên kết iCloud.
- Vào reset mật khẩu mail đó bằng xác nhận SMS. Nếu iPhone có PIN vẫn xem tin nhắn được từ màn hình khoá, còn nếu bạn cao tay cài không hiển thị SMS tại màn hình khoá thì chúng có thể gắn sim vào máy khác! Trong tình huống này bạn chỉ ngăn được chúng lại được khi đặt luôn cả PIN cho SIM.
- Yêu cầu đặt lại pass cho iCloud, thế là xong (khá nhiều chị em vẫn dùng chung một cái email cho nhiều thiết bị - trong đó có cái bị lấy cắp).
Qua hai tình huống trên, chúng ta có thể một lần nữa nhấn mạnh: Bảo mật của iCloud là siêu mạnh, nó sẽ giúp biến bất kỳ thiết bị Apple bị mất cắp nào thành cục gạch và bọn trộm chỉ còn cách tháo tung ra bán rẻ linh kiện! Thậm chí cả FBI cũng từng phải bó tay!
Tuy nhiên, nói gì thì nói thì người dùng vẫn là mấu chốt của sự thành bại. Rằng, sức mạnh của iCloud sẽ giảm xuống đáng kể nếu chủ nhân của nó không có các biện pháp sao lưu mạnh mẽ, thiếu quan sát, đặt mật khẩu quá dễ đoán hoặc lại một lần nữa phải nhắc lại câu 'thích để mọi thứ vào chung một rổ'!
Thế nên, nếu đang dùng iPhone hoặc thậm chí là những điện thoại đắt giá và chứa nhiều dữ liệu nhạy cảm: Bạn nên dùng một số điện thoại khác (không phải gắn trên máy xịn) để dùng xác minh danh tính khi cần. Hơn cả là đừng tiếc của để rồi phải tự mình thó ra thông tin cơ mật cho kẻ xấu hoặc tuỳ tiện truy cập những đường link không chính thống từ hãng (do ai đó gửi) nhằm tìm lại chiếc điện thoại bị mất, bạn nhé!
Vừa rồi là 2 câu chuyện và vấn đề liên quan đến bảo mật iCloud. Không biết bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy comment chia sẻ bên dưới bài viết nhé!
Nguồn:Thế giới di động