Trước hàng loạt vấn đề đang gây bức xúc cho xã hội như SIM rác, tin nhắn rác, tin nhắn khủng bố… được các đối tượng sử dụng thuê bao trả trước đăng ký thông tin không chính xác thực hiện, Bộ TT&TT đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp để giải quyết vấn nạn này.
Trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện đang đưa ra các biện pháp mạnh để quản lý chặt thuê bao di động trả trước.
Theo dự thảo, các cá nhân, tổ chức được giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung để sử dụng dịch vụ di động trả sau với số lượng thuê bao không hạn chế. Tuy nhiên, đối với dịch vụ di động trả trước, mỗi cá nhân chỉ được sử dụng tối đa 3 số thuê bao trên mỗi mạng viễn thông di động và mỗi tổ chức chỉ được sử dụng tối đa 100 số thuê bao trên mỗi mạng di động cho đối tượng sử dụng là người.
Đối với việc sử dụng dịch vụ di động trả trước dùng cho thiết bị, số lượng thuê bao di động phải phù hợp với quy mô, mục đích hoạt động của tổ chức; mã mạng, số thuê bao phải tuân thủ quy định về phân bổ mã mạng, số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao là thiết bị theo quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông.
Căn cứ tình hình thực tế và chính sách quản lý trong từng thời kỳ, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định số lượng số thuê bao di động trả trước mỗi cá nhân, tổ chức được sử dụng.
Dự thảo cũng đưa ra quy định, SIM thuê bao di động chỉ được cung cấp cho các cá nhân, tổ chức tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và sau khi đã hoàn thành việc nhập và lưu giữ thông tin thuê bao theo quy định. Việc kích hoạt SIM chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp viễn thông di động và sau khi đã hoàn thành cập nhật thông tin thuê bao của các cá nhân, tổ chức từ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông vào cơ sở dữ liệu tập trung của doanh nghiệp.
Việc giới hạn mỗi cá nhân chỉ được sử dụng 3 SIM/mạng và mỗi doanh nghiệp không được sử dụng quá 100 SIM/mạng đã được Bộ TT&TT xây dựng từ năm 2012 để quản lý thuê bao di động trả trước.
Ngay tại thời điểm đó, Cục Viễn thông cho biết, sở dĩ phải có quy định này bởi đã có đại lý “lách luật” hạn chế 3 SIM/mạng/người bằng cách đứng tên doanh nghiệp rồi đăng ký hàng nghìn SIM bán ra thị trường. Các đại lý chỉ cần bỏ ra khoảng 2 triệu đồng làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân “ma”, sau đó đi đăng ký chuyển số SIM mà họ đang sở hữu cá nhân sang sở hữu của doanh nghiệp là xong.
Quy định hạn chế cho khách hàng chỉ được sở hữu 3 SIM/mạng chỉ áp dụng với khách hàng là cá nhân chứ không áp dụng cho doanh nghiệp. Như vậy, cho dù chính sách hạn chế 3 SIM/mạng rất chặt chẽ nhưng lại bị chiêu thức lập doanh nghiệp “ma” của các đại lý hóa giải. Vì vậy, Cục Viễn thông cho rằng quy định giới hạn 100 SIM/doanh nghiệp sẽ hạn chế việc thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm đăng ký hàng loạt SIM rồi bán ra thị trường.
Dự thảo này còn quy định, đối với thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định, cá nhân, tổ chức có số lượng thuê bao di động trả trước nhiều hơn mức quy định thì nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 3 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần, yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp lại thông tin theo quy định.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện cung cấp lại thông tin thuê bao theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo; đồng thời cảnh báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày nếu không cung cấp lại thông tin thuê bao.
Nếu cá nhân, tổ chức vẫn không thực hiện cung cấp lại thông tin thuê bao theo yêu cầu nhà mạng sẽ phải tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều; đồng thời cảnh báo thuê bao sẽ bị chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 15 ngày không thực hiện đăng ký lại thông tin thuê bao.
Sau đó, nhà mạng phải chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không đăng ký lại thông tin thuê bao.
Trước đó, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đã đưa ra đề xuất quản lý thuê bao di động trả trước như thuê bao di động trả sau nhằm hạn chế SIM rác và dễ quản lý khi có vấn đề xảy ra. Hiện nay, để đăng ký SIM trả trước, thuê bao chỉ cần cung cấp Chứng minh nhân dân và nhà mạng quản lý dựa trên các thông tin cá nhân ghi trên đó. Trong khi để đăng ký thuê bao trả sau thì người dùng dịch vụ phải ký hợp đồng với nhà mạng, đồng thời cung cấp nhiều thông tin cá nhân hơn.
Theo ictnews
Nguồn:Thế giới di động