Trở lại năm 2013, EU mở cuộc điều tra về vấn đề trốn thuế của Apple và đã phát hiện ra rằng những thỏa thuận mà 'Táo Khuyết' ký kết với Ireland là bất hợp pháp.
Ủy ban nói rằng thỏa thuận này đã mang đến cho Apple một 'lợi thế đáng kể' so với các đối thủ cạnh tranh, bây giờ nhà sản xuất iPhone phải chuẩn bị trả đầy đủ số tiền mà họ đã trốn thuế trong khoảng thời gian 10 năm trước khi cuộc điều tra manh nha.
Các quan chức cho biết, tổng số tiền mà Apple trốn thuế khoảng 13 tỷ Euro/ tương đương 14,5 tỷ USD (từ giữa năm 2003 và 2014). Dĩ nhiên, không thể không tính thêm các khoản lãi suất theo quy định, dao động từ 1 đến 2 tỷ Euro nữa.
'Các nước thành viên Ủy Ban không thể trao lợi thế về thuế cho riêng một vài công ty - điều này đi trái với các hiệp định hợp tác của EU. Các cuộc điều tra của Ủy ban đã kết luận rằng Ireland trao các quyền lợi thuế bất hợp pháp cho Apple, giúp công ty này trả ít thuế hơn hẳn so với các đối thủ qua nhiều năm. Trong thực thế, hành động này cho phép Apple chỉ trả thuế suất thực tế tương đương 0.005% lợi nhuận tại châu Âu, thay vì 1%.' Margrethe Vestager, người đứng đầu bộ phận Chính sách cạnh tranh của Ủy ban phát biểu.
Tuy nhiên, Apple và chính phủ Ireland sẽ kháng cáo phán quyết. Công ty cho biết trong một tuyên bố như sau:
'Ủy ban châu Âu đã nỗ lực viết lại lịch sử Apple ở châu Âu, bỏ qua luật thuế của Ireland và làm đảo lộn hệ thống thuế quốc tế. Trường hợp của Ủy ban không phải là quan tâm đến việc Apple đóng thuế bao nhiêu mà chỉ nhắm đến việc chính phủ nào sẽ thu tiền.
Điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc và rất tiêu cực đến đầu tư và tạo việc làm tại châu Âu.
Apple tuân theo luật và sẽ trả tất cả thuế phải trả ở bất cứ nơi đâu chúng tôi hoạt động. Chúng tôi sẽ kháng cáo và tin rằng quyết định này sẽ được đảo ngược'.
Văn phòng của Apple tại thành phố Cork, IrelandVào năm 1991, Apple đã ký một thỏa thuận với chính phủ Ireland cho phép họ sử dụng chiến thuật “Double Irish”, giúp Apple chuyển lợi nhuận đến những thiên đường thuế thấp. Đây là giải pháp khá thành công, và vào năm 2014, Apple đã có thể né được hai phần ba thu nhập toàn cầu của mình trong thiên đường thuế này.
Hồi năm 2013, Thượng nghị sĩ Carl Levin từng chỉ trích Apple, và ông cho rằng Apple đã đàm phán với Ireland một mức thuế suất ít hơn 2%. Nếu ở Mỹ, Apple có thể phải trả ít nhất 15%.
Để đối phó với các phán quyết, Apple đã đăng tải 'tâm thư' trên trang web của mình, dành cho khách hàng mang tên 'Một tin nhắn tới Cộng đồng Apple tại châu Âu' (A Message to the Apple Community in Europe).
Trong đó CEO Apple - Tim Cook, trình bày chi tiết các hạng mục đầu tư của công ty và các hoạt động phát triển ở Ireland. Ông cũng dành nhiều thời gian để bình luận về phán quyết và những gì mà nó có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp EU đang kinh doanh tại Mỹ.
Về phía Mỹ, Bộ tài chính Mỹ thẳng thắn chỉ trích các cuộc điều tra của EC không chỉ bất công mà còn mang tính thù hằn, nhắm vào mục tiêu là các công ty hàng đầu của Mỹ.
Trao đổi với tờ Washington Post, Tim Cook cho biết: 'Khoản tiền ở Ireland là tiền thuế nộp cho chính phủ. Luật pháp hiện hành cho phép công ty giữ khoản tiền này ở nước ngoài. Khi chưa đạt được thỏa thuận về tỷ lệ hợp lý, Apple sẽ không chuyển khoản tiền này về Mỹ. Mọi thứ đều hợp pháp, không cần phải tranh luận thêm. Bản thân chính phủ Ireland cũng phủ nhận cáo buộc của EC”.
Nguồn: Thế giới di động