Sau khi trở thành 1 trong 2 ứng cử viên sáng giá tranh chức tổng thống (TT) Mỹ cùng bà Clinton, đời tư của ông Donald Trump đã bị báo giới săm soi khá nhiều. Trong đó bao gồm cả vấn đề ông yêu thích/ủng hộ smartphone Galaxy của Samsung và tất nhiên - gần như là một anti-iFAN chính hiệu*!
Thế nên ngay sau khi đắc cử TT, nhiều người - bao gồm cả CEO Tim Cook đã phải lo lắng về tương lai, về những gì Táo khuyết buộc sẽ đối mặt trong nhiệm kỳ 4 năm tới của Trump. Và dưới đây sẽ là 3 vấn đề chính (bao gồm cả tích/tiêu cực) mà vị tân TT này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm ăn của Apple được trang Bussiness Insider tổng hợp.
Tim Cook cùng John Podesta, chủ tịch chiến dịch của bà Hillary Clinton.Theo dòng thời sự: Tâm thư Tim Cook gửi cho toàn thể nhân viên Apple sau sự kiện bầu cử TT.
1. Thuế 'hồi hương'
Thuế là một thứ mà bất cứ hình thái tổ chức xã hội hay nhà nước nào cũng có để tìm kiếm nguồn thu, cũng như thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với quốc gia - dân tộc.
Đặc biệt, với trường hợp của những công ty giàu có và tích trữ nhiều tiền mặt ở ngoại quốc như Apple thì những thứ thuế mà họ phải chịu với chính phủ không chỉ dừng lại ở thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế thu nhập ở nước ngoài,... mà còn bao gồm thuế hồi hương!
Hiểu đơn giản, đây là một thứ thuế mà Apple cần phải chi trả cho nhà nước khi họ muốn mang tiền mặt của mình về quê cha đất tổ. Trong đó, với ngần 200 tỷ USD tiền mặt & trên sàn chứng khoán mà Táo khuyết hiện đang 'cất giấu' ở nước ngoài, họ sẽ cần phải chi 35 % để đưa chúng trở lại Mỹ.
'Khi chúng tôi mang tiền về, công ty sẽ phải trả thuế liên bang 35 % và sau đó là bình quân gia quyền trên khắp các tiểu bang mà Apple đang hiện diện thêm khoảng 5 %.
Vậy, tổng sẽ là 40 % nên chúng tôi sẽ chẳng làm như vậy cho đến khi có một tỷ lệ hợp lý!', CEO Tim Cook đã chia sẻ cùng The Washington Post hồi đầu năm nay.
Có lẽ biết được nguyện vọng này của Apple, nên trong thời gian vận động tranh cử, Donald đã nói rất nhiều về chuyện sẽ cải cách và giảm thuế hồi hương cho các công ty đang tích trữ nhiều tiền ở nước ngoài.
Theo ông, 'Sự giàu có này (của Apple) là ở nước ngoài, thế nên đâu ai biết chính xác con số là bao nhiêu!
Một số người cho là 2.5 nghìn tỷ USD nhưng số khác lại đồn đoán họ có tận 5 nghìn tỷ!...
...
Chúng tôi (sẽ tìm cách cho Apple) mang chúng trở lại và chỉ đánh 10 % thuế thay vì 35 % như trước đây! Bởi, ai sẽ mang tiền về với mức thuế như vậy? Rõ ràng là chẳng có ai đi làm việc đó!'
2. Sản xuất tại Mỹ
Có lẽ, trường hợp 'ưu ái' của Trump dành cho Apple là rất đúng với câu: Trên đời này không ai cho không ai cái gì!
Bởi vì vừa mới tuyên thuệ sẽ giảm thuế hồi hương là vậy nhưng ngược lại, vị tân tổng thống yêu cầu công ty này phải mang việc sản xuất - đặc biệt là làm iPhone về nội quốc.
'Tôi sẽ mang công việc này quay lại, làm cho Apple sản xuất máy tính và iPhone của họ trên đất nước của chúng ta (Mỹ), không phải Trung Quốc.
Làm thế nào để kiến thiết đất nước khi mà cứ sản xuất ở 'nước người ta' hoài cơ chứ?', Trump nói.
Được biết không chỉ có Trump mà trước đây, TT Obama cũng đã từng yêu cầu Apple làm vậy. Tuy nhiên công ty vẫn 'dặm chân tại chỗ' bởi có rất nhiều hệ luỵ sẽ xảy ra khi thực hiện theo, chẳng hạn như:
Sự thiếu hụt kỹ năng và nhân công sản xuất ở Mỹ; Thách thức về hậu cần do hiện nay, các nhà sản xuất linh kiện đều tập trung ở châu Á; Đặc biệt là tổng chi phí sản xuất tại Mỹ sẽ tăng đáng kể so với Trung Quốc (nhân công, nhà máy,...).
Ước tích, nếu làm iPhone ở Hoa Kỳ, giá của sản phẩm này sẽ bị đội lên thêm ít nhất 50 USD - vừa làm giảm sức cạnh tranh vừa khiến cho iPhone đã đắt nay càng mắc hơn!
3. Mã hoá dữ liệu & sự riêng tư của khách hàng
Còn nhớ trong vụ lùm xùm giữa FBI và Apple hồi đầu năm nay, Donald Trump đã kêu gọi tẩy chay tất cả các sản phẩm của hãng này (*). Lý do là vì Apple đã cứng rắn và không tuân theo lệnh của chính phủ trong việc mở khoá iPhone, tạo 'cửa hậu' cho cơ quan điều tra xâm nhập thiết bị của kẻ khủng bố.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, vụ việc này đã yên ắng với sự phi can thiệp từ Apple nhưng đây vẫn là một chủ đề gây tranh cãi ở nội cát, trong quần chúng Mỹ cũng như cả nhân dân thế giới.
Nếu như bạn chưa xem: Toàn cảnh Apple đại chiến FBI: Họ đang đấu tranh vì điều gì?
Đặc biệt, với sự chiến thắng của ông Trump (một phần) là nhờ vào James Comey (giám đốc FBI) - người đã dẫn đầu cuộc chiến với Apple và công bố email cá nhân của bà Hillary 11 ngày trước khi bỏ phiếu. Hơn bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào, Apple - ngay bây giờ cùng những công ty, người dùng đứng về phía họ buộc phải lo lắng một hay nhiều lần nữa trong 4 năm tới.
Bởi vì, rất có thể sau sự kiện hack mail của cả ứng cử viên TT và sự lên ngôi của người ủng hộ việc làm xâm phạm quyền riêng tư này - ông Donald Trump, rất có thể sau này, các nhà hành pháp sẽ coi đó như một việc làm phải lẽ - mình thích thì mình làm thôi! Bạn thấy như thế nào?
Bên trên là 3 thứ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến Apple - một trong những công ty hi-tech hàng đầu thế giới. Không biết bạn có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Đừng ngại để lại comment bên dưới bài viết nhé!
Nguồn:Thế giới di động