Trong bài viết trước, người viết đã giới thiệu những hình ảnh trên tay và một vài đánh giá nhanh về Gionee S5.5, smartphone từng một thời nắm giữ danh hiệu mỏng nhất thế giới. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm những đánh giá chi tiết về màn hình, hiệu năng, camera và thời lượng pin của chiếc điện thoại này.
Màn hình
Người viết đánh giá khá tốt về chất lượng của màn hình Gionee S5.5. Chưa nói đến khả năng hiển thị, việc lướt chạm trên mặt kính cường lực Gorilla Glass 3 đã cho cảm giác rất thích tay, không hề bị rít như đối với một số smartphone giá rẻ. Cũng nhờ đó, các thao tác cảm ứng có thể diễn ra một cách nhanh chóng và chính xác hơn, giúp người dùng có được những trải nghiệm thoải mái nhất.
Màn hình kích thước 5,0 inch độ phân giải Full HD của Gionee S5.5 cho mật độ điểm ảnh lên đến xấp xỉ 441 ppi. Đây là thông số thường chỉ xuất hiện ở các model tầm trung và cao cấp, mang đến chất lượng hình ảnh cực kỳ chi tiết và sắc nét. Bạn sẽ cảm thấy rõ nét điều này khi xem các video chất lượng Full HD trên Youtube. Thêm vào đó, sự có mặt của công nghệ Super AMOLED giúp màu sắc của hình ảnh được tái hiện sắc nét và sống động, cộng thêm độ tương phản cao mang đến trải nghiệm quan sát nịnh mắt, ưa nhìn. Nói chung, khả năng hiển thị của màn hình Gionee S5.5 là khá tốt, và đây là một điểm cộng đáng giá cho chiếc điện thoại này.
Giao diện
Gionee S5.5 chạy hệ điều hành Android 4.4 KitKat với giao diện tùy biến Amigo UI của nhà sản xuất. Một điểm đặc trưng của giao diện này là không tồn tại app drawer, tất cả các ứng dụng đều được đưa ra ngoài màn hình chính (main screen). Nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ giúp người dùng bớt đi một thao tác khi tìm kiếm ứng dụng, nhưng người viết cảm thấy đây không hẳn là một ưu điểm lớn. Thứ nhất, nó khá lạ lẫm với phần lớn người dùng, dù sẽ không mất quá nhiều thời gian để làm quen. Thứ hai, nó làm hạn chế khả năng tùy biến màn hình chính, đồng thời các icon được sắp xếp với mật độ dày và kích thước lớn có thể sẽ làm bạn cảm thấy khó chịu khi che mất đi tấm hình nền ưa thích.
Một điểm mà người viết đánh giá cao chính là phần giao diện thông báo. Gionee đã tùy biến phần giao diện này khá nhiều so với phiên bản Android gốc, khiến nó trông hiện đại và hấp dẫn hơn hẳn. Đặc biệt, công cụ tối ưu hệ thống được mặc định sẵn cho phép bạn tăng tốc chiếc điện thoại một cách dễ dàng khi cảm thấy nó hoạt động ì ạch và nặng nề.
Cuối cùng, các icon ứng dụng được thiết kế nổi khối với nhiều màu sắc sặc sỡ rất phù hợp với phong cách của giới trẻ. Ngoài ra, nhà sản xuất còn cung cấp nhiều tùy chọn theme để người dùng lựa chọn tùy theo sở thích.
Nhà sản xuất cung cấp sẵn nhiều theme tùy chọn khá đẹp mắt trên Gionee S5.5
Hiệu năng
Với những thông số như vi xử lý 8 nhân MediaTek MT6592 và dung lượng RAM 2GB, chúng ta có thể hình dung hiệu năng của Gionee S5.5 hoàn toàn đủ sức đáp ứng các tác vụ thông dụng, cũng như khả năng thực thi đa nhiệm một cách nhẹ nhàng. Thực tế, với các trải nghiệm thông thường như lướt Facebook, xem video trên Youtube hay chơi các game 3D nhẹ như Temple Run 2 hay Subway Suffer thì máy đều phản hồi rất tốt, hiếm khi có độ trễ.
Tuy vậy, với một số ứng dụng nặng hơn như game Asphalt Nitro thì tình trạng giật lag đã bắt đầu xuất hiện. Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này, như việc vi xử lý MediaTek MT6592 vốn thuộc dòng chip 32-bit thế hệ cũ, trong khi Asphalt Nitro là một tựa game mới chỉ vừa được phát hành cách đây không lâu, do đó mức độ tương thích chưa thật sự hoàn hảo. Cũng vì nền tảng chip 32-bit mà Gionee S5.5 cũng sẽ không hỗ trợ các ứng dụng 64-bit, tuy vậy điều này không quá nghiêm trọng vì số lượng các ứng dụng dạng này hiện nay vẫn còn khá ít ỏi. Điểm đáng tiếc lớn nhất là Gionee S5.5 chỉ có dung lượng bộ nhớ trong 16GB và không hỗ trợ thẻ nhớ ngoài, do đó việc cài ứng dụng và lưu trữ quá nhiều dữ liệu hoàn toàn có thể gây tràn bộ nhớ.
Camera
Camera chính của Gionee S5.5 có độ phân giải 13MP, đi kèm 2 chế độ chụp là Bình Thường và Chuyên Nghiệp. Chế độ Bình Thường hỗ trợ chụp ảnh HDR, gắn thông tin địa lý, hẹn giờ chụp và chỉnh cỡ ảnh, trong khi chế độ Chuyên Nghiệp có thêm một số tính năng như chế độ chụp ảnh rộng panorama, chụp đêm, chụp hành động, nhận diện khuôn mặt, điều chỉnh bù sáng, ISO và cân bằng trắng. Tuy nhiên, giao diện cài đặt của 2 chế độ này lại trông khá rắc rối và phức tạp, mỗi lần điều chỉnh lại phải vào phần Settings chứ không thể tương tác trực tiếp trên màn hình chụp. Giá như Gionee có thể đơn giản hóa phần này đi một chút thì có lẽ sẽ hợp lý hơn.
Giao diện cài đặt camera của Gionee S5.5 trông khá rắc rối
Nhìn chung, chất lượng ảnh chụp bởi camera này là khá tốt trong điều kiện đủ sáng, tốc độ chụp ảnh nhanh (dù có chậm đi đôi chút nếu bật tính năng HDR). Nhược điểm của nó là khả năng chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng bị hạn chế, hình ảnh thường xuất hiện các vết mờ, nhiễu.
Một số ảnh chụp bởi camera chính của Gionee S5.5:
Thời lượng pin và nhiệt độ
Do được tập trung vào thiết kế mỏng gọn nên Gionee S5.5 đã phải hi sinh rất nhiều ở dung lượng pin. Con số 2300 mAh không phải là mức cao nếu so với nhiều mẫu smartphone tầm trung hiện nay. Tuy vậy, với sự hỗ trợ của màn hình Super AMOLED tiết kiệm pin, Gionee S5.5 vẫn đủ sức phục vụ người dùng trong cả ngày dài với mức sử dụng thông thường. Thêm nữa, tùy chọn giới hạn hiệu năng CPU cũng cho phép người dùng kéo dài thời gian sử dụng máy trong trường hợp cần thiết.
Tùy chọn giới hạn hiệu năng CPU giúp kéo dài đáng kể thời lượng pin
Nhược điểm lớn nhất của Gionee S5.5 nằm ở vấn đề nhiệt độ. Máy rất dễ nóng lên chỉ sau một vài sử dụng, dù chỉ với kết nối WiFi và một vài ứng dụng nhẹ nhàng như Chrome hay Facebook. Tình trạng quá nhiệt còn trở nên nghiêm trọng hơn khi chơi game hoặc bật ứng dụng camera. Dường như đây cũng là hệ quả của việc tinh giản kích thước máy, khi không gian tản nhiệt bên trong cũng bị thu hẹp đáng kể. Dù sao, Gionee cũng đã từng khẳng định điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của máy.
Kết luận
Dù không thật sự hoàn hảo, nhưng ở thời điểm lần đầu lên kệ tại Việt Nam với mức giá tầm 7 triệu đồng, Gionee S5.5 cũng đã thật sự tạo ra một sức hấp dẫn lớn đối với các tín đồ công nghệ. Dù tại thời điểm này, cấu hình và những tính năng của máy không còn quá nổi trội, nhưng với một mức giá hợp lý, chiếc điện thoại này vẫn có thể trở thành một lựa chọn tốt trên thị trường.
Ưu điểm
- Thiết kế mỏng gọn;
- Màn hình Super AMOLED hiển thị nịnh mắt;
- Hiệu năng ổn;
- Camera chụp ảnh nhanh;
Nhược điểm
- Thiếu khe cắm thẻ nhớ ngoài;
- Máy nhanh bị nóng;
- Hệ điều hành Android phiên bản cũ;
Trúc Phong