Tại Hội thảo về quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông trong tình hình mới do Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/12/2016, vấn đề quản lý thuê bao di động trả trước được nhiều Sở TT&TT đề cập đến.
Nhiều Sở TT&TT đề nghị quản lý thuê bao trả trước như trả sau.Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đánh giá cao quyết tâm quản lý thuê bao di động trả trước gần đây của Bộ TT&TT và các nhà mạng. Tuy nhiên, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều năm nay, Sở đi xử lý các điểm bán SIM thẻ nhưng không hiệu quả. Vấn đề mấu chốt là các mạng di động phải quản lý nghiêm mới xử lý được vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác. Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cho rằng phát triển thuê bao đã đến ngưỡng bão hòa. Các doanh nghiệp tìm cách tái đề nghị quản lý thuê bao di động trả trước phải ký hợp đồng như thuê bao trả sau.
'Tôi không tiện nêu tên doanh nghiệp, nhưng có một doanh nghiệp trước trực thuộc một doanh nghiệp lớn, nhưng sau khi tách ra thì không bao giờ báo cáo số liệu lên Sở TT&TT. Thậm chí, ngay trong chiến dịch thu hồi SIM đã kích hoặt sẵn, nhưng nhà mạng không cung cấp thông tin thuê bao đã thu hồi chơ Sở', đại diện Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh nói.
Đồng tình với Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, Sở TT&TT Hà Tĩnh cho rằng cần quản lý thuê bao di động trả trước như trả sau.
'Sau khi Bộ TT&TT siết việc quản lý thuê bao di động trả trước thì nhiều đại lý đi đăng ký lại thông tin cá nhân để né viẹc thu hồi SIM đã kích hoạt trên kênh phân phối. Như vậy, mục tiêu quản lý thuê bao trả trước khó thực hiện được', đại diện Sở TT&TT Hà Tĩnh nói.
Sở TT&TT Đà Nẵng cho rằng, SIM trả trước mua đâu cũng có, không cần đăng ký. Điều này rất dễ cho tội phạm lợi dụng kẽ hở. Bên cạnh đó, quy định hiện nay mỗi cá nhân chỉ được sử dụng không quá 3 SIM trả trước/mạng, như vậy, một cá nhân có thể dùng tới 15 SIM đối với 5 mạng di động. Tuy nhiên, Đà Nẵng đề nghị mỗi cá nhân chỉ được sử dụng không quá 2 SIM trả trước/mạng để tránh những hệ lụy của thuê bao trả trước.
Hồi năm ngoái, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cũng cho hay, tình trạng tin nhắn rác vẫn là điểm nóng, một trong những khó khăn nhất ở địa phương. Trước vấn đề này, Sở TT&TT TP.HCM đã kiến nghị lên Bộ TT&TT áp dụng chính sách quản lý thuê bao di động trả trước như trả sau để hạn chế những hệ lụy do không quản lý được thuê bao trả trước như SIM rác hay lừa đảo...
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực thi Luật Tần số Vô tuyến điện và Luật Viễn thông hồi đầu năm 2016, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đã nêu ra bất cập trong việc quản lý thuê bao di động trả trước. Ông Lê Quốc Cường cho biết, trong thời gian qua, Sở TT&TT TP.HCM đã kiểm tra việc chấp hành thi hành pháp luật về đăng ký thuê bao di động trả trước. Từ năm 2011 đến nay, Sở TT&TT TP.HCM đã thu gần 4.000 SIM trả trước, yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ của 90.516 thuê bao và phạt gần 500 triệu đồng với vi phạm trong đăng ký thông tin thuê bao trả trước.
“Quan điểm của Sở TT&TT TP.HCM là cần quản lý các thuê bao trả trước như thuê bao trả sau, do đó Sở kiến nghị Bộ TT&TT ban hành quy định về các nội dung cần cung cấp trong hợp đồng dịch vụ kèm theo nghĩa vụ của các bên. Sở TT&TT TP.HCM đã sẵn sàng cho việc này nhưng đến giờ Bộ TT&TT vẫn chưa có hướng dẫn. Chúng tôi kiến nghị Bộ TT&TT có những biện pháp quản lý SIM trả trước, nhanh chóng triển khai kết nối thông tin dữ liệu các doanh nghiệp để đối soát thông tin”, ông Lê Quốc Cường nói.
Trước đó, Sở TT&TT TP.HCM đã đề xuất quản lý thuê bao di động trả trước như thuê bao di động trả sau nhằm hạn chế SIM rác và dễ xử lý khi có vấn đề xảy ra. Hiện nay, để đăng ký SIM trả trước, thuê bao chỉ cần cung cấp Chứng minh nhân dân và nhà mạng quản lý dựa trên các thông tin cá nhân ghi trên đó. Trong khi để đăng ký thuê bao trả sau thì người dùng dịch vụ phải ký hợp đồng với nhà mạng, đồng thời cung cấp nhiều thông tin cá nhân hơn.
Bộ TT&TT đang xây dựng nghị định về quản lý thuê bao di động trả trước theo hướng siết chặt việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước, tăng hình thức xử phạt với các đối tượng vi phạm những quy định này.
Theo ictnews
Nguồn:Thế giới di động