Chiều ngày 4/11/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã trao giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn LTE-Advanced (4G) cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
Như vậy, sau VNPT và MobiFone, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel là doanh nghiệp thứ 3 tại Việt Nam đã chính thức được Bộ TT&TT trao giấy phép.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho hay, theo kế hoạch, Viettel sẽ cung cấp 4G chính thức trên toàn quốc vào quý I/2017 trên băng tần 1800 MHz.
Viettel sẽ phủ sóng toàn quốc, vùng phủ sóng 4G của Viettel sẽ rộng như 2G với số lượng trạm thu phát sóng được là 35.000 trạm. Về giá cước, Viettel dự kiến sẽ cung cấp với mức rẻ hơn so với 3G hiện nay.
“Viettel sẽ triển khai 4G như đã từng làm với mạng 2G, mục tiêu làm bùng nổ dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng di động, góp phần đưa Việt Nam lên thứ hạng cao trên bản đồ viễn thông thế giới. Chúng tôi hy vọng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách 30 quốc gia triển khai 4G mạnh nhất trên thế giới trong vài năm tới”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giấy phép, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá cao Viettel với việc là nhân tố chính trong việc tạo sự bùng nổ dịch vụ viễn thông di động ở Việt Nam trong thời gian qua.
Việc được cấp phép triển khai 4G là một bước ngoặt quan trọng đối với thị trường viễn thông Việt Nam nói chung và với Viettel nói riêng, Việt Nam sẽ chính thức được ghi vào bản đồ các nước triển khai 4G thế giới.
'Với kinh nghiệm triển khai 4G của Viettel tại các thị trường đang đầu tư, tôi đề nghị Viettel với vai trò doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh sẽ tiếp tục là doanh nghiệp tạo ra cuộc bùng nổ trong ngành viễn thông Việt Nam lần thứ 2 thông qua dịch vụ di động 4G khi triển khai cung cấp dịch vụ 4G cho người dân trên phạm vi toàn quốc sớm nhất, tốc độ tải dữ liệu tối thiểu cao nhất, chất lượng dịch vụ tốt nhất và nhiều dịch vụ ứng dụng, dịch vụ giải pháp cho các đối tượng khách hàng nhất', Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng lưu ý, Tập đoàn Viettel khi triển khai 4G cần công bố công khai chất lượng dịch vụ, đặc biệt tốc độ tối thiểu đối với từng gói dịch vụ triển khai; khảo sát và đánh giá nhu cầu sử dụng của người dân, xây dựng phương án kinh doanh, hợp tác hiệu quả với các nhà cung cấp dịch vụ khác để tận dụng tối đa cơ hội do công nghệ 4G mang lại. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu thị trường để giải quyết một cách thỏa đáng bài toán chất lượng, giá cước khi chính thức thương mại hóa, tối ưu lợi ích Nhà nước - người sử dụng.
Trước khi được cấp giấy phép chính thức, Viettel đã đưa các trạm thu phát vô tuyến 4G vào thử nghiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ tháng 12/2015. Kết quả thử nghiệm cho thấy, chất lượng 4G Viettel ổn định, tốc độ thực tế với các máy đầu cuối hiện đại nhất đạt 289Mbps (chuẩn cao của thế giới là 300Mbps).
Các thiết bị do Viettel sản xuất cũng có các tính năng như của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới hiện nay. Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho biết thêm, trong quý I/2017, Viettel sẽ chính thức đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor và tại Việt Nam.
Cùng đó Viettel cũng đang thúc đẩy việc nghiên cứu mạng lõi 4G (EPC) và thiết bị truyền dẫn Site Router để đưa vào thử nghiệm trong quý I/2017.
Trong chiến lược mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel sẽ do Viettel làm chủ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất.
Tất cả các thành phần từ mạng lõi (vOCS, MSC, EPC, IMS), mạng truyền dẫn (Site Router) đến mạng truy nhập (eNodeB) của Viettel sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào. Từ năm 2018, Viettel sẽ tiến hành thay thế thiết bị mạng lõi nhập ngoại bằng sản phẩm do chính công ty sản xuất.
Như vậy, Viettel bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị mạng viễn thông – một lĩnh vực mà hiện trên thế giới chỉ còn có 5 nhà cung cấp.
Trước đó, Viettel đã sản xuất được hệ thống quản lý thuê bao, hệ thống tổng đài chuyển mạch 3G, hệ thống tổng đài tin nhắn kết hợp với hệ thống chặn lọc tin nhắn rác. Đây được ví như là trái tim và bộ não của hạ tầng mạng viễn thông. Các hệ thống này đều đã được đưa vào vận hành trong mạng viễn thông của Viettel tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài.
Theo ictnews
Nguồn:Thế giới di động