Ngày 18/8/2016, Hội thảo quốc tế 4G LTE 2016 do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trì của Bộ TT&TT.
Sự phát triển của 4G LTE đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến hết quý I/2016, số lượng thuê bao 4G LTE đạt 1,29 tỷ với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác.
Hiện tại, trên thế giới đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hóa tại 167 quốc gia tính đến tháng 5/2016 (theo thống kê từ GSA). Tại Việt Nam, theo nhận định từ Bộ TT&TT thì 2016 là thời điểm thích hợp cho Việt Nam triển khai thành công 4G LTE.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Bộ TT&TT coi trọng sự phát triển của thông tin di động băng rộng, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đã xây dựng chiến lược xây dựng chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng băng rộng 3G, 4G phủ đến 95% dân cư, có giá cước hợp lý phù hợp với cơ chế thị trường.
Hiện các mạng di động đã phủ kín mạng 3G trên toàn quốc. Bộ đã cấp phép thử nghiệm 4G cho 4 doanh nghiệp. Cả 3 doanh nghiệp lớn là Viettel, MobiFone, VNPT đang thử nghiệm và hoàn tất thủ tục xin cấp phép 4G sử dụng băng tần 1800 MHz.
Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tạo điều kiện cho tinh thần khởi nghiệp, sự năng động sáng tạo trong kinh doanh, khuyến khích phát triển các công nghệ mới như 4G, IoT để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết các vấn đề bức thiết và nâng cao chất lương cuộc sống như ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, y tế điện tử…
Mạng 4G sẽ mở ra cơ hội mới, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong môi trường số mọi lúc mọi nơi. Hội thảo này sẽ có những kinh nghiệm triển khai 4G cho Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ rằng: “Năm 2016 sẽ là năm khởi đầu tốt đẹp cho LTE và năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ”.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng Chính sách và chiến lược của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, trong năm 2016 Bộ TT&TT sẽ cấp phép 4G. Hiện 3 mạng di động lớn là VNPT, Viettel, MobiFone đang sử dụng băng tần 1800 MHz để chuẩn bị cung cấp dịch vụ 4G. Sau khi triển khai dịch vụ 4G, các doanh nghiệp phải thúc đẩy người sử dụng lên và cung cấp dịch vụ nội dung kết hợp với các đối tác ngoài xã hội.
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, việc đầu tư cho mạng 4G phải đáp ứng các nhu cầu băng rộng của xã hội, tuy nhiên việc đầu tư phải làm sao hiệu quả và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, năm 2016 là thời điểm chín muồi để đưa công nghệ mới 4G vào thị trường với mức độ phổ cập tốt nhất.
Cũng tại hội thảo này, đại diện Qualcomm cho rằng, Việt Nam có thể đi chậm hơn các doanh nghiệp khác khi triển khai 4G, nhưng quan trọng hơn là phải thực hiện hiệu quả.
Đại diện Qualcomm khuyến cáo Việt Nam nghiên cứu thêm triển khai 4G trên phổ tần không cần cấp phép. Qualcomm cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai công nghệ 4G đầu tiên. cùng với cơ quan chính phủ xác định lập kế hoạch phổ tần, xác định xu hướng trong tương lai.
Đại diện Qualcomm còn cho biết, Việt Nam là nước đang xuất khẩu tới 15% smartphone của thế giới nên Việt Nam có lợi thế trong sản xuất các thiết bị đầu cuối. Qualcomm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất các thiết bị đầu cuối.
Theo ictnews.vn