Hãy thử tưởng tượng ra một viễn cảnh mà trong đó chiếc đồng hồ báo thức của bạn có thể kết nối với internet, từ đó truy cập được vào lịch để bàn thông minh và chiếc đồng hồ đó biết được bạn sẽ có cuộc hẹn sắp tới ở đâu và khi nào. Từ đó có thể báo thức sớm hay muộn hơn mọi ngày để bạn có thời gian sắp xếp hợp lí.
Hay như vừa mới mở mắt dậy thì máy pha cafe đã bắt đầu tự hoạt động, vòi sen cũng sắp sửa đợi bạn vào để 'thả' những đợt nước ấm xuống làm dịu cơ thể,... tóm lại thì tất cả mọi thứ đều có thể 'thông minh hoá' và có thể kết nối với nhau qua mạng internet trong nhà hay công cộng để hỗ trợ cho con người.
Đó là một dự án mà nhiều công ty công nghệ đang miệt mài theo đuổi. Nhưng trước mắt việc các thiết bị điện tử có kết nối internet đang sử dụng phiên bản địa chỉ mạng IPv4 khiến các thiết bị gia dụng hay thông dụng không đủ điều kiện để hoà vào mạng lưới internet do địa chỉ IPv4 đang dần cạn kiệt.
Việc thiếu địa chỉ mạng đang làm viễn cảnh về một thế giới với IoT đang bị chựng lại. Thế nên để giải quyết vấn đề đó, các nhà mạng đang dần giải quyết bào toán thiếu địa chỉ mạng bằng cách tiến lên chuẩn địa chỉ mạng IPv6.
Với dải địa rộng hơn, IPv6 sẽ cung cấp địa chỉ mạng cho bất kì vật dụng nào trên thế giới này, từ ấm pha trà cho đến cả giường ngủ, qua đó giúp một thế giới với khả năng kết nối vô hạn giữa vạn vật sẽ ngày càng trở nên khả thi hơn.
Nhưng để IoT thực sự được phát triển và nhân rộng một cách mạnh mẽ, chúng ta phải giải được một bài toán rất quan trọng, đó là bài toán về bảo mật trên internet.
Khi IoT bùng nổ, các thiết bị sẽ kết nối với nhau thông qua mạng Wifi hoặc Bluetooth, hay thậm chí có thể dùng cả công nghệ NFC trong việc 'giao tiếp' giữa các thiết bị.
Và như vậy sẽ có hàng trăm triệu kết nối để tạo nên một mạng lưới IoT khổng lồ, qua đó cũng đặt ra một bài toán rất khó về bảo mật vì hiện nay mạng Wifi hay Bluetooth rất dễ bị tấn công bởi các hacker, nếu IoT thịnh hàng thì chắc chắn số lượng tội phậm sử dụng công nghệ cao sẽ gia tăng chóng mặt.
Theo trang mạng Livemint, vào năm 2013 đã có một quốc gia phát hiện ra một kho hàng chưa đựng nhiều đồ gia dụng có gắn những con chip có khả năng kết nối vào mạng Wifi gia dụng để từ đó đánh cắp thông tin của chủ nhân.
Hay gần đây thôi đã có một hãng điện thoại của Trung Quốc bị cáo buộc trong việc cài đặt ngầm phần mềm trái phép để theo dõi người dùng.
Thế nên bạn có dám 'hoà mình' vào thế giới IoT không khi mà chiếc xe thông minh của chúng ta có thể bị chiếm quyền kiểm soát và gây nên một tai nạn kinh hoàng, hay nhẹ nhàng hơn thì dữ liệu trên smartphone của chúng ta sẽ bị đánh cắp bởi chiếc đồng hồ báo thức hay không?
Tóm lại thì sự phát triển và nhân rộng, cũng như tính thực tế của IoT khả thi đến đâu đều trông cậy vào khả năng tăng cường bảo mật và giải quyết được những bài toán hóc búa về các góc khuất trên mạng internet.
Bằng không thì cái ngày chúng ta được tận hưởng một cuộc sống được các thiết bị phục vụ y như trong phim có lẽ vẫn còn là điều khá xa xôi.
Bạn có đang tham gia vào các dự án có liên quan đến IoT? Bạn nghĩ sao về tính khả thi của IoT? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn trong phần bình luận bên dưới nhé.
- Mỗi phút trên mạng Internet xảy ra những gì, bạn biết không?
- Vào năm 2020, Internet of Things sẽ thay đổi thế giới ra sao?
- Làm việc từ xa: Không phải công nghệ, nó là một phong cách mới
Nguồn:Thế giới di động