Mới đây, chính phủ đã chính thức cấp giấy phép cho 3 nhà mạng lớn nhất – Viettel, VinaPhone và MobiFone – để thiết lập mạng viễn thông và cung cấp dịch vụ 4G.
Cục Tần số cho biết, dịch vụ 4G có thể chỉ được phổ biến vào năm 2018 do lo ngại cơ sở hạ tầng chưa thể lắp đặt hoàn chỉnh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn lại khẳng định đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng để chính thức triển khai dịch vụ trong vài tháng tới.
Một đại diện Viettel xác nhận với Nikkei: “Viettel đã bắt đầu lắp đặt cơ sở hạ tầng để cung cấp 4G tại Việt Nam trong quý đầu tiên của năm sau”.
4 nhà mạng lớn của Việt Nam, trong đó có VinaPhone, Viettel, MobiFone và FPT Telecom, trước đó được cho phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ khi chính phủ “bật đèn xanh” cho thử nghiệm công nghệ viễn thông di động 4G.
Năm ngoái, Viettel thử nghiệm 4G tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội, sau đó cung cấp 4G LTE cho khách hàng di chuyển đến một số nước nhất định như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kong, Mỹ, Nga vào tháng 6 này.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, công ty mẹ của nhà mạng lớn thứ hai VinaPhone, thí điểm dịch vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc từ đầu năm nay. MobiFone lại bắt đầu dự án thử nghiệm tại Hà Nội, Đà Nắng và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7/2016.
FPT Telecom, công ty thuộc FPT, từng nhắc đến thí điểm 4G nhưng đến nay chưa cung cấp thêm thông tin về dự án này.
Thị trường viễn thông Việt Nam đã vượt mốc 15 tỷ USD năm 2015, đứng đầu là Viettel (9,9 tỷ USD), theo sau là VinaPhone (3,9 tỷ USD) và MobiFone (1,7 tỷ USD). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhà cung cấp dịch vụ 4G có thể đối mặt với thách thức khi thương mại hóa dịch vụ vì các thiết bị hỗ trợ 4G chưa phổ biến do chúng quá đắt so với người có thu nhập trung bình.
Việt Nam hiện có hơn 136 triệu thuê bao di động, trong đó có khoảng 37 triệu thuê bao 3G, với 5% trong số đó tương thích với công nghệ 4G. Samsung là một trong số ít nhà sản xuất điện thoại di động cung cấp khả năng kết nối 4G nhờ các sản phẩm mới nhất đang bán tại đây.
Nguồn:Thế giới di động