Ngoài hệ thống camera và khả năng chống nước, Apple cũng đem đến cho bộ đôi iPhone 7 một nút Home hoàn toàn mới.
Nút Home – phím bấm duy nhất trên màn hình đã xuất hiện từ iPhone đời đầu tiên cho đến thế hệ 6s, và trở thành một phần quá quen thuộc đối với người dùng trong suốt gần 10 năm qua. Tưởng chừng như Apple sẽ luôn giữ mãi chi tiết này làm nét đặc trưng riêng cho dòng sản phẩm mũi nhọn của mình, nhưng không, “nhà Táo” đã thay đổi thói quen sử dụng của hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ người dùng. Một quyết định táo bạo, nhưng liệu có đem đến sự thuận tiện cho chúng ta?
Trong vài năm trở lại đây, Apple đang liên tục đẩy mạnh công nghệ cảm ứng nhận biết lực chạm, và ngày càng tích hợp chúng vào sâu hơn trong các sản phẩm của hãng. Khởi đầu là với Apple Watch, sau đó đến trackpad (bàn di chuột) trên Macbook, và 3D Touch của iPhone 6s. Điều đó khiến chúng ta không khó để đoán được Apple đang nuôi ý định biến cảm ứng lực chạm trở thành xu hướng thao tác trên các thiết bị di động trong tương lai.
Mọi suy đoán càng trở nên có cơ sở khi Apple tiếp tục mở rộng công nghệ này trên bộ đôi iPhone 7 mới vừa ra mắt, không chỉ màn hình 3D Touch như iPhone 6s mà cả nút Home giờ đây cũng trở thành phím cảm ứng nhận biết lực.
Về những lý do Apple quyết định có sự thay đổi lớn nhất trong gần một thập kỷ qua thì chúng ta sẽ không bàn đến nữa. Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến các bạn quá trình trải nghiệm thực tế nút Home mới này với tư cách người dùng đã sử dụng smartphone của Apple từ iPhone 3G cho đến iPhone 7 Plus.
Tham khảo thêm: Tại sao Apple bỏ phím Home vật lý trên iPhone 7?
Không còn là nút bấm vật lý, đương nhiên giờ đây phím Home không thể bấm xuống được nữa. Bạn hãy tắt máy đi để cảm nhận được rõ hơn khi nhấn nút Home, bạn sẽ thấy “cứng đơ” như ấn tay xuống một lớp kính. Vì thế Apple đã tạo ra “cảm giác bấm ảo” cho người dùng bằng hệ thống rung và âm thanh.
Đầu tiên là Taptic Engine, nói một cách dễ hiểu Taptic Engine là một bộ rung đặc biệt của iPhone 7 giúp tạo ra hiệu ứng rung chính xác hơn rất nhiều so với các bộ rung truyền thống. Mỗi lần bạn bấm phím Home, Taptic Engine sẽ rung lên một cái, cho biết thao tác của bạn đã được hệ thống nhận ra. Ngoài ra, để bù cho sự không chuyển động của nút bấm, mỗi lần bạn bấm Home, loa sẽ phát ra âm thanh rất nhỏ để giả tiếng, kể cả khi bạn đưa máy về chế độ im lặng.
Bạn cũng có thể lựa chọn được mức cường độ của “bộ cảm giác ảo” này bằng cách vào Settings (Cài đặt) > General (Chung) > Home Button (Nút Home).
Người dùng sẽ có ba mức lựa chọn từ 1 đến 3, theo mức cường độ nhẹ nhất – mạnh nhất. Cá nhân mình thích nhất mức 2 vì cho cảm giác vừa phải, thực ra lực bạn cần tác động vẫn như cũ, tuỳ chọn này chỉ là để điều chỉnh mức độ rung và âm thanh hỗ trợ cho cảm giác bấm mà thôi.
Apple chỉ thay đổi về cách thức nhận biết thao tác và vẫn giữ nguyên cách sử dụng như bấm một lần để về Home, bấm hai lần để mở chế độ đa nhiệm, nhấn giữ để kích hoạt Siri và chạm nhẹ hai lần liên tục để hạ màn hình xuống cho tính năng hỗ trợ sử dụng bằng một tay.
Tuy nhiên vì khi tắt máy hoặc iPhone bị treo thì nút Home cảm ứng này sẽ không còn khả năng tương tác. Vậy nên sẽ có một chút thay đổi nếu bạn muốn restart nóng hoặc đưa thiết bị về chế độ DFU / Recovery. Thay vì sử dụng nút nguồn (Power) và Home, giờ đây chúng ta sẽ bấm nút nguồn cùng phím giảm âm lượng, thao tác giống với những chiếc máy Android.
Nhưng điều các bạn quan tâm nhất có lẽ vẫn là cảm giác khi sử dụng phím Home này, sự thay đổi có ảnh hưởng đến quá trình sử dụng, có khó khăn để làm quen hay không. Câu trả lời là hoàn toàn không. Đối với một người đã quá quen thuộc với nút Home vật lý từ iPhone 3G như mình mà chỉ mất chưa đến 5 phút để làm quen, thì mình nghĩ thực sự không có vấn đề gì khó khăn với mọi người.
Thậm chí trái với một số ý kiến cho rằng phím Home mới gây khó chịu, mình lại cảm thấy sự thay đổi này đem đến nhiều lợi ích hơn là sự bất tiện. Này nhé, việc nút Home liền mạch sẽ hỗ trợ tốt hơn cho khả năng chống nước, phím Home vật lý trước đây ít nhiều tạo ra những lỗ hổng khiến chúng ta thiếu an tâm hơn khi sử dụng.
Bên cạnh đó, với nút Home cảm ứng bạn sẽ chỉ cần tác động với lực nhẹ hơn phím vật lý trước đây. Nếu chỉ hình dung thì chúng ta thấy nó chẳng có nhiều ý nghĩa, nhưng khi sử dụng thực tế thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra thời gian thao tác được rút ngắn đáng kể, và mọi thứ đều được “đồng bộ” với thao tác cảm ứng lực chạm.
Ngoài ra trên những đời iPhone trước đây, hư phím bấm vật lý luôn là một điều vô cùng khó chịu đối với nhiều người dùng, khi trường hợp cứ phải thay phím liên tục không phải chuyện hiếm, vì nút vật lý thì luôn có một độ bền nhất định, và thường không cao. Việc thay đổi sang nút Home với công nghệ cảm ứng lực cũng giúp người dùng đỡ lo lắng khi sử dụng phím Home liên tục. Trên thực tế thì trong số 10 người sử dụng iPhone, thì có đến 8,9 người bật chức năng Assistive Touch (hay còn gọi là nút Home ảo) trên màn hình để 'hạn chế' việc sử dụng nút Home cứng. Giờ đây, đâu cũng là cảm ứng, bạn đã có thể quên đi nút Home ảo trên màn hình.
Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo, bạn cũng cần tập làm quen với hai bất tiện nhỏ khi sử dụng nút Home cảm ứng này, đó là khi tay bị ướt thì cảm biến vân tay Touch ID vẫn hoạt động khá chập chờn, lúc nhận vân tay, lúc không. Nhưng đây thực ra là một vấn đề mà đa số các cảm biến vân tay trên smartphone hiện nay đều gặp phải. Thêm một điểm khác đó là vì dựa trên cơ sở của công nghệ cảm ứng điện dung, nên bạn sẽ không thể sử dụng găng tay để bấm phím Home được nữa.
Hãy tạm quên đi việc phím Home trên iPhone 7 sở hữu công nghệ gì, cách hoạt động ra sao. Bạn hãy cứ xem nút Home của iPhone 7 vẫn như một phím bấm bình thường trên những chiếc iPhone thế hệ trước, các bạn sẽ thấy dễ chịu và nhận ra chẳng có gì khác biệt cả. Phải chăng là giờ đây, bạn sẽ không còn cần sử dụng đến nút Home ảo trên màn hình nữa mà thôi.
BB.A
Nguồn: fptshop.com.vn