Bộ phim “Kim cương máu” do nam tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai năm 2006 đã lột tả sự khốc liệt đằng sau vẻ lấp lánh của những mặt hàng xa xỉ bày bán trong các cửa tiệm sáng bóng. Nó phơi bày tội ác ghê rợn về quyền con người tại các mỏ khai thác và toàn ngành công nghiệp kim cương.
Giờ đây, hiện thực lại phản ánh một bức tranh không kém phần khốc liệt khi trẻ em và những người yếu thế bị bóc kiệt sức trong điều kiện vô cùng nguy hiểm để đào bới kim loại phục vụ cho nền công nghiệp di động.
Cobalt nổi lên trở thành món hàng hấp dẫn dù bề ngoài trông rất tầm thường. Nhưng nó lại đóng vai trò quan trọng trong thành phần pin của điện thoại di động, máy tính xách tay, xe điện, máy bay và đồ dùng bằng điện khác.
Đây là kim loại được khai thác nhiều ở Cộng hòa Dân chủ Công Gô (DRC), một đất nước vốn nổi tiếng với tình trạng trẻ em từ 7 tuổi đã phải lao động khổ cực ở điều kiện vô cùng khắc nghiệt.
“Những màn hình lộng lẫy trong cửa hàng và các món đồ công nghệ hiện đại hoàn toàn tương phản với hình ảnh trẻ em mang theo túi đựng đá và những thợ mỏ trong các căn hầm tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh phổi mãn tính”, Mark Dummett, nhà nghiên cứu về nhân quyền của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một báo cáo về tình trạng khai thác mỏ cobalt ở Công Gô trong tháng Giêng.
Những món đồ công nghệ dẫn tới nạn khai thác khoáng sản tràn lan“Xung đột khoáng sản” gây ra nhiều hệ lụy pháp lý. Vì thế, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) dưới vai trò quản lý các công ty đại chúng phải giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng về khoáng sản.
Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn sự bất công tại những nước giàu tài nguyên nhưng lại nghèo nàn, lạc hậu bởi tiền thu được đều nằm trong tay lực lượng vũ trang tự phát.
Hiện tại, chỉ có 4 kim loại được liệt vào diện cần theo dõi để tránh xung đột gồm tantalum, thiếc, vàng và vonfram, phần lớn được khai thác ở DRC. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần xếp thêm cobalt vào danh sách giám sát đặc biệt trong chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất thiết bị di động.
Lời kêu gọi ngày càng gia tăng sau khi Tổ chức Ân xá Thế giới tiết lộ một công ty con của gã khổng lồ khoáng sản Huayou Cobalt tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã mua cobalt từ các hầm mỏ ở DRC, nơi trẻ em bị ngược đãi tràn lan.
Công ty này bán lại kim loại đã qua xử lý cho các nhà sản xuất pin ở Trung Quốc và Hàn Quốc, những đơn vị cung cấp pin cho 16 thương hiệu đa quốc gia, bao gồm cả Apple.
Trẻ em tại các nước nghèo trở thành nạn nhân bị bóc lột sức lao độngMạng lưới tiêu thụ được tổ chức qua các khâu trung gian trải dài trên nhiều châu lục khiến những công ty gặp khó để xác định nguồn gốc nguyên liệu tạo ra thành phẩm.
Apple cho biết sẽ xem xét báo cáo của Tổ chức Ân xá Thế giới để đánh giá xem có bao nhiêu lượng cobalt trong các thiết bị của mình có nguồn gốc từ DRC, dù là thông qua Huayou Cobalt.
Gã khổng lồ xứ Cupertino cho biết sẽ kiên quyết nói không với tình trạng sử dụng lao động vị thành niên. Hãng đã tiến hành cuộc điều tra năm 2014 phát hiện 16 trẻ em làm việc trong chuỗi cung ứng quy mô 1,6 triệu công nhân của hãng. Theo Apple, những trường hợp này đã được giải quyết thỏa đáng.
Phía Huayou Cobalt lại đinh ninh không biết bất kỳ “nhà cung cấp hợp pháp” nào sử dụng trẻ em tại các địa điểm khai thác khoáng sản và cả điều kiện lao động thiếu an toàn.
Verisk Maplecroff, đơn vị chuyên hỗ trợ các tổ chức đa quốc gia quản lý rủi ro và chuỗi cung ứng, cảnh báo những đứa trẻ ở Công Gô đang đối mặt với nhiều nguy hiểm từ việc buôn bán, cưỡng bức lao động.
Các công ty đa quốc gia đang tìm 'làm sạch' chuỗi cung ứng của mìnhÝ kiến cho rằng, hình thức bóc lột nô lệ thời hiện đại xuất hiện tại nhiều quốc gia nghèo, không chỉ riêng ở châu Phi. Mà hàng hóa và sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ nguồn cung này có thể tìm đường “hợp thức hóa” tại thị trường châu Âu và Mỹ.
“Các công ty đang phụ thuộc nhiều vào hàng hóa và nguyên liệu thô từ Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn cung ứng từ hai quốc gia này có thể sử dụng lao động cưỡng bức”, Verish Maplecroft thông tin trong một báo cáo.
“Nguy cơ ngày càng hiện hữu tại những vùng nông nghiệp ở Ấn Độ và phổ biến trong ngành dệt của nước này. Tình trạng bắt ép trẻ em vào khai khoáng trở nên phổ biến. Lao động cưỡng bức xảy ra ở nhiều ngành nghề tại Trung Quốc, bao gồm cả sản xuất thiết bị điện tử, khai thác mỏ và nông nghiệp”.
Dưới áp lực ngày càng lớn, các công ty đa quốc gia buộc phải tìm đến bên thứ ba nhằm giúp tìm hiểu chuỗi cung ứng của mình. Một trong số đó phải kể đến RCS Global, đơn vị có nguồn tin thân cận ở Colombia, Rwanda, Nam Phi, Trung Quốc, Mỹ và Anh.
“Quan tâm tới vấn đề nô lệ hoặc lao động cưỡng bức, tôi nghĩ nhiều chuỗi cung ứng không được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt tại những quốc gia có hệ thống quản lý yếu kém, nhưng thật khó để vạch trần mọi thứ”, Harrison Mitchell, Giám đốc phụ trách giám sát chuỗi cung ứng của RCS Global thừa nhận.
Ông cho biết, công ty thường xuyên gặp khó trong việc xác định chính xác nguồn gốc nguyên vật liệu chứ không phải lờ đi cho qua, tiếp tay cho hành động lạm dụng lao động trẻ em.
Theo: Genk
Nguồn: Thế giới di động