Xiaomi Redmi 3s là chiếc điện thoại thông minh chủ lực của hãng này ở thị trường trong nước và Ấn Độ, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn chỉ mới có các sản phẩm xách tay. Thiết bị này được ra mắt với ý định của Xiaomi là thay thế cho chiếc Redmi 2 vẫn đang phổ biến ở 1 vài nước đang phát triển. Redmi 3S đang được bán ở Việt Nam với mức giá khá hợp lý.
Ưu điểm:
- Máy nhỏ gọn.
- Thời lượng pin tốt.
- Camera chụp đủ sáng tốt.
- Giá rẻ.
Nhược điểm:
- Cấu hình trung bình.
- Chất lượng camera trong điều kiện thiếu sáng không cao.
Hiện nay trên thị trường thì Xiaomi Redmi 3S đang có tổng cộng là 2 biến thể với dung lượng RAM và bộ nhớ trong khác nhau, cụ thể có bản 2GB RAM/16GB ROM, 3GB RAM/32GB ROM tất cả các thông số kĩ thuật còn lại đều tương tự nhau nên giữa chúng mức giá chênh lệch nhau không quá nhiều.
Thiết bị mình đang sử dụng để làm bài đánh giá chi tiết có cấu hình cao nhất là 3GB/32GB ROM.
THIẾT KẾ
Nhìn bề ngoài, Redmi 3S có rất nhiều điểm tương đồng với Redmi Note 3, đặc biệt là ở phần mặt trước, nơi mà lớp kính được bảo vệ bởi một đường viền được làm nổi hẳn lên so với màn hình. Khung viền này được mạ màu vàng sáng bóng, vừa tăng thêm phần thẩm mĩ lại bảo vệ được màn hình của chúng ta tốt hơn khi bị va đập. Nhưng có nếu không cẩn thận thì nó rất dễ bị trầy xước và xuống sắc sau một thời gian sử dụng.
Phía trên màn hình là lọa thoại, cảm biến tiệm cận và camera tự sướng, bên dưới là 3 phím điều hướng quen thuộc của Android, khá đáng tiếc là chúng lại không có đèn nền nên sử dụng vào buổi tối sẽ gặp đôi chút khó khăn khi chưa quen. Nhằm tránh đi sự nhàm chán thì Xiaomi đã bổ xung thêm một đèn thông báo trạng thái ở đây, nó cũng là điểm nhấn ở phần mặt trước. Viền benzen xung quanh màn hình và cả viền đen đều không quá dày, mình đánh giá rất cao điều này vì đối với những sản phẩm đến từ Trung Quốc khác có giá thành tương đương Redmi 3S thì phần viền màn hình nhìn khá thô và rất mất thẩm mĩ. Cạnh phải của thiết bị là các phím cứng gồm nguồn, tăng/giảm âm lượng quen thuộc. Nhưng có điều các phím này được làm bằng nhựa chứ không phải là kim loại như trên Redmi Note 3, mặc dù nếu chỉ nhìn qua thì chúng ta sẽ khó mà nhận thấy được sự khác biệt này. Cạnh bên kia là khay SIM với 2 tùy chọn quen thuộc là 2 nano SIM hoặc 1 SIM và 1 thẻ nhớ
Trên đỉnh máy có sự góp mặt của jack cắm tai nghe 3.5mm, microphone và cổng hồng ngoại. Cạnh dưới là microphone chính và cổng kết nối micro USB.
Mặc dù tổng thể thiết kế được làm bằng nhựa nhưng mặt lưng của Redmi 3S lại được làm từ nhôm nên tăng vẻ sang trọng. Trên và dưới là 2 dải nhựa làm ăng-ten bắt sóng được làm đồng màu nên nhìn không quá thô. Cụm camera chính và đèn flash được đặt gọn gàng ở góc trên bên trái, còn cảm biến vân tay thì vẫn nằm ở chỗ quen thuộc trên mọi thiết bị của Xiaomi thuộc dòng trung và thấp cấp. Nói một chút về cảm biến vân tay này, mặc dù chỉ có giá bán thuộc phân khúc phổ thông khoảng 2.5 triệu đồng, nhưng Redmi 3S vẫn được trang bị cảm biến vân tay 1 chạm thời thượng, tuy nhiên có điều là chất lượng thì không thể bằng những sản phẩm đắt tiền hơn được, mặc dù khả năng nhân vân tay là khá nhạy ngay cả khi mình chỉ chạm khoảng 2/3 đầu ngón tay lên cảm biến nhưng máy vẫn nhận, nhưng có điều thời gian đọc vân tay có phần hơi chậm, mất khoảng từ 1-2s thì thiết bị của chúng ta mới có thể mở khóa.
Mặt lưng này được làm bo cong mạnh ở 4 góc, kết hợp với thiết kế nhỏ gọn và trọng lượng khá nhẹ chỉ khoảng 144g nên mặc dù sở hữu viên pin dung lượng lên đến 4100mAh thì việc cầm nắm chiếc Redmi 3S vẫn rất thoải mái không hề quá nặng.
MÀN HÌNH
Redmi 3S sở hữu một màn hình 5 inch độ phân giải của màn hình chỉ là HD 1280x720 nhưng nhờ kích thước nhỏ nên mật độ điểm ảnh vẫn đạt được 294ppi không quá rỗ nếu các bạn đã quen sử dụng các thiết bị tầm trung và thấp cấp thì sẽ không thấy khó chịu, màn hình này cũng cho chất lượng hiển thị ở mức trung bình. Màu sắc thể hiện trung thực, không quá nịnh mắt, góc nhìn tốt nhưng có điều độ sáng không cao nên khả năng hiển thị ngoài trời chưa tốt, vẫn còn đôi chút lóa và khó sử dụng
Thiết bị mới nhà Xiaomi cũng được trang bị công nghệ hiển thị độc quyền Xiaomi Sunlight Display. Tuy nhiên không như các thiết bị Xiaomi khác, người dùng có thể bật/tắt tùy ý. Trên Redmi 3S, chế độ này luôn ở tình trạng bật và người dùng không thể tắt được. Tính năng Sunlight Display này nếu không được tắt có thể gây hại cho mắt rất nhiều. Vì cơ chế hoạt động của nó là thay đổi độ tương phản màn hình liên tục dựa vào lượng ánh sáng xung quanh và các hình ảnh xuất hiện trên màn hình
Ngoài ra, Xiaomi cũng đã thiết lập DPI thấp hơn dành cho Redmi 3S. Điều này giúp màn hình hiển thị mọi thứ lớn hơn, nghĩa là bạn cũng sẽ thấy ít nội dung hơn trên màn hình khi so với Redmi Note 3.
THỜI LƯỢNG PIN
Pin là một điểm nhấn ấn tượng trên chiếc smartphone này. Khi Redmi 3S chỉ sở hữu một thân hình nhỏ gọn nhưng viên pin lại có dung lượng lên đến 4.100 mAh và chỉ trụ màn hình 5 inch HD.
Nhờ thế mà “quái thú” cho thời gian onscreen lên tới 10 giờ, thời gian chờ đạt ở mức 2 ngày. Ngoài ra, những ai mua điện thoại chỉ chủ yếu để gọi, check mail hay tin nhắn thì con số này có thể lên tới 3 ngày.
PHẦN MỀM
Xiaomi Redmi 3S chạy trên Android 6.0.1 cùng nền tảng MIUI 7 mang lại sự tùy biến cao khi sử dụng. Và Redmi 3S cũng đã có lộ trình nâng cấp lên MIUI 8. MIUI 8 là bản nâng cấp của MIUI 7, khi nó kế thừa và nâng cấp các tính năng hay kèm theo đó là tích hợp thêm vài tiện ích mới như Mitouch hay Cloned Apps,…
Giao diện MIUI 7 trên Xiaomi Redmi 3S không có điểm gì mới so với tất cả những thiết bị khác của Xiaomi chạy trên phiên bản phần mềm này. Đây vừa là 1 thế mạnh khi người dùng không mất quá nhiều thời gian để làm quen sử dụng và giữa các thiết bị cao cấp hay thấp cấp không hề có sự phân biệt, nhưng cũng là điểm yếu vì dễ gây nhàm chán. Sản phẩm của chúng ta đã được hỗ trợ bản ROM Tiếng Việt được Việt hóa và có CH Play đầy đủ, nên anh em không phải quá lo lắng về vấn đề này.
Thực tế khi sử dụng MIUI thì hầu như rất ít khi được nhận các bản update Android. Vì thế Xiaomi cũng đã cố gắng và kết hợp nhiều tính năng của phiên bản Android mới trong từng bản nâng cấp MIUI để người dùng có thể sử dụng và trải nghiệm. Nếu các bạn muốn tìm hiểu về giao diện MIUI 7 thì có thể xem lại rất nhiều bài đánh giá chi tiết về các thiết bị Xiaomi
HIỆU NĂNG
Chiếc Redmi 3S mình đang sử dụng được trang bị chip Snapdragon 430 với 8 nhân Cortex-A53 tốc độ 1.2 GHz và Adreno 505 kèm theo đó là 3 GB RAM và 32 GB bộ nhớ trong, phiên bản này ở thị trường quốc tế còn được gọi là Redmi 3S Prime. Vi xử lý Snapdragon 430 mang lại hiệu năng không cao thời gian load game ứng dụng khá lâu. Tuy nhiên, thì những thao tác cơ bản máy vẫn đáp ứng tốt, khá tuyệt với là chúng ta hoàn toàn có thể chơi max cấu hình của game Asphalt 8 trên Redmi 3S nhờ vào GPU Adreno 505, có điều mình khuyên các bạn là nên để mức cầu hình trung bình để có thể trải nghiệm mượt mà nhất.
Nhờ vào 3GB RAM mà khả năng đa nhiệm của Redmi 3S được cải thiện nhiều, ta có thể mở một loạt các ứng dụng, 7-8 tab trong Chrome. Redmi 3S đã cải thiện lỗi máy nóng sau khoảng thời gian ngắn sử dụng của những người tiền nhiệm trước. Người dùng sẽ không cảm thấy máy nóng nhiều trừ khi giữ màn hình hiển thị và chạy ứng dụng liên tục.
Tổng hợp video thử nghiệm hiệu năng Xiaomi Redmi 3s:
Khi kiểm tra tổng quan bằng Antutu 6 hay khả năng chạy đơn nhân trên Geekbench 3 thì Redmi 3S cho điểm số lớn hơn người tiền nhiệm của mình là Redmi 3 Pro. Trong bài kiểm tra đa nhân, thì Xiaomi Redmi 3 dẫn đầu, tuy nhiên khoảng cách này vô cùng nhỏ.
CAMERA
Xiaomi Redmi 3S được trang bị một camera chính 13 MP với khẩu độ F2.0 và có khả năng tự động lấy nét cũng như quay video chất lượng Full HD.
Camera của Redmi 3S khi chụp trong điều kiện ánh sáng đủ, hình ảnh cho ra khá ổn, đặc biệt ấn tượng khi camera của máy cân bằng màu sắc tốt, dải nhảy sáng, chi tiết cao và khả năng chụp ảnh bokeh rất tốt, một vài sản phẩm đối thủ đến từ các hãng khác trong tầm giá này kể cả là đắt hơn 1 chút thì khả năng chụp cận cảnh đều rất kém dễ out nét, nhưng Redmi 3S thì lại lấy nét rất chuẩn xác mang đến những bức ảnh xóa phông vô cùng ảo diệu.
Tính năng HDR của camera sau hoạt động rất hiệu quả, sự khác biệt giữa 2 tấm ảnh khi bật và tắt HDR là rất rõ rệt. Khi bật HDR màu sắc cho ra nịnh mắt hơn, dải nhạy sáng cao hơn ít mất chi tiết, bức ảnh không quá tối cũng không bị cháy sáng. Tuy nhiên, có điều Redmi 3S lưu ảnh HDR khá lâu, nên các bạn phải giữ chắc tay để chụp.
Chi tiết rất tốt
Không bật HDR điểm lấy nét là vùng tối trong nhà
Bật HDR điểm lấy nét là vùng tối trong nhà
Khả năng chụp macro là khá ổn trong tầm giá.
Khi trong điều kiện ánh sáng thấp, hình ảnh cho ra không tốt lắm, khi zoom người dùng có thể nhận thấy ngay ảnh sẽ noise nặng và mất chi tiết. Tuy nhiên, khi bật chế độ chụp ban đêm lên, thì vấn đề này sẽ được giải quyết phần nào, tất nhiên là với 1 thiết bị có giá thành thấp như vậy thì chúng ta khồng thể đòi hỏi quá nhiều về phần camera.
Khả năng chụp ảnh tự sướng thì các thiết bị của Xiaomi luôn giữ tốt phong độ, không cần có quá nhiều tùy chỉnh nhưng bức ảnh cho ra rất đẹp, da người hồng hào. Có thể đăng tải ngay lên các trang mạng xã hội mà không cần chỉnh sửa thông qua phần mềm của bên thứ 3.
Các video 1080p được quay từ máy cho kết quả khá tốt trong tầm tiền bỏ ra. Không có chế độ quay slow motion trong giao diện camera của máy, tuy nhiên người dùng có thể thay thế bằng chế độ chụp Timelapses.
TỔNG KẾT
Đây không phải là một chiếc máy tốt về mọi mặt nhưng với mức giá của thị trường xách tay ở Việt Nam chỉ từ 2.5 triệu đồng vào thời điểm hiện tại thì thật sự đây là 1 sự lựa chọn tuyệt vời cho học sinh, sinh viên hay người có thu nhập thấp có thể sở hữu 1 smartphone đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mình.