Mới đây, ICTnews đã nhận được thông tin từ các chuyên gia bảo mật khằng định rằng, Việt Nam có 10 botnet đang hoạt động trên các mạng VNPT, Viettel, SG Cable, FPT. Các botnet này là các botnet Sality và hiện có khoảng 250 đến 400 zombies trong hệ thống này.
Chuyên gia này cho biết, ngay tại Hà Đông, ở địa chỉ 113.171.224.246 hiện đang có một botnet conficker hoạt động. Địa chỉ này thuộc mạng của VNPT. Hiện Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị nhiễm virus máy tính nhiều nhất thế giới, mà đứng đầu danh sách này là Ấn Độ.
Ngay tại Hà Đông, ở địa chỉ 113.171.224.246 hiện đang có một botnet conficker hoạt độngSau khi nhận được thông tin này, ICTnews đã chuyển đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet gồm VNPT, Viettel và FPT. Hiện VNPT và Viettel đã xác thực thông tin trên.
Đại diện VNPT cho biết, botnet là thứ có khắp nơi trên mạng, của VNPT và của doanh nghiệp khác đều có. Mạng của VNPT có nhiều thuê bao băng rộng hơn thì sẽ có khả năng chứa chấp nhiều botnet hơn. Vì vậy, khi phát hiện ra 1 địa chỉ nào đó có botnet thì cần kiểm tra đó là địa chỉ kết nối tới mạng nội bộ của VNPT hay địa chỉ mà VNPT cung cấp cho khách hàng (FiberVNN, Internet trực tiếp...).
Nếu là trường hợp thứ nhất thì VNPT sẽ chủ động xử lý. Nếu là trường hợp thứ hai thì VNPT sẽ thông báo cho khách hàng và phối hợp, hỗ trợ lực lượng công nghệ thông tin của khách hàng xử lý. Hiện VNPT đã ban hành quy trình phối hợp giữa các đơn vị để xử lý vấn đề này.
Trả lời ICTnews về vấn đề này, đại diện Viettel cho biết: “Để bảo vệ khách hàng, hiện tại Viettel thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật để chủ động chặn các kênh điều khiển mã độc ở mức mạng lưới (tính đến nay đã chặn gần 500 tên miền độc), nhằm ngăn ngừa tin tặc điều khiển, ra lệnh các thiết bị đầu cuối của khách hàng từ xa…
Ngoài ra chúng tôi hiện đang phát triển giải pháp chủ động phát hiện để cảnh báo đến khách hàng việc điện thoại của khách hàng nhiễm mã độc và sẽ hỗ trợ khách hàng trong thời gian rất gần. Tuy nhiên, người sử dụng cũng cần phải cảnh giác và chủ động bảo vệ mình trước khả năng bị nhiễm virus, bởi nhiễm mã độc là vấn đề thiết bị đầu cuối và do thói quen sử dụng Internet của người dùng.
Có một số nguyên nhân khiến thiết bị đầu cuối như máy điện thoại, máy tính bảng … ở Việt Nam bị nhiễm virus, đó là sử dụng phần mềm không rõ nguồn gốc (không tải từ trang chính của nhà phát hành ứng dụng), sử dụng các bản keygen, crack, truy cập các trang web độc hại, mở file đính kèm trên mail, mở file tải từ Internet… “
Botnet là các mạng máy tính được tạo lập từ các máy tính mà hacker có thể điều khiển từ xa. Các máy tính trong mạng botnet là máy đã bị nhiễm malware và bị hacker điều khiển. Một mạng botnet có thể có tới hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu máy tính.
Theo ictnews.vn