Smartphone ngày nay đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người. Không ít người có thói quen sử dụng smartphone ở mọi nơi, lúc rảnh rỗi, ăn uống, đi chơi cùng bạn bè và thậm chí sử dụng ngay cả khi đang đi vệ sinh...
Và kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy người dùng đã mất không ít thời gian hàng ngày của mình trong việc sử dụng smartphone.
Cụ thể theo kết quả nghiên cứu của hãng nghiên cứu thị trường DScout (Mỹ) sử dụng một công cụ để theo dõi quá trình hoạt động và thói quen sử dụng smartphone của 100.000 người đồng ý tham gia cuộc nghiên cứu.
Kết quả của DScout chỉ ra trung bình mỗi người dùng smartphone chạm vào màn hình thiết bị của họ 2.617 lần trong ngày và mất 2,42 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình smartphone.
Đối với những người dùng có mức độ “nghiện” smartphone cao hơn thì số lần chạm vào màn hình mỗi ngày là 5.427 lần (mỗi lần chạm vào màn hình, ngay cả việc gõ một ký tự trên bàn phím ảo cũng tính là một lần chạm) và thời gian nhìn vào màn hình smartphone mỗi ngày là 3,75 giờ, tương đương với thời gian xem hai bộ phim dài.
Kết quả của DScout cũng cho thấy người dùng smartphone trung bình sử dụng thiết bị của họ 76 lần mỗi ngày (tính số lần màn hình thiết bị được mở lên), trong khi đó người dùng có mức độ “nghiện” cao hơn thì số lần kiểm tra smartphone mỗi ngày lên đến 132 lần.
DScout cũng cho biết việc sử dụng smartphone trong một thời gian dài trong ngày rất ít khi xảy ra, ngoại trừ khi người dùng xem phim trực tuyến hoặc đọc sách. Thông thường, người dùng chỉ sử dụng smartphone trong một thời gian ngắn và có khoảng nghỉ giữa những lần sử dụng.
Một kết quả khá thú vị khác, Facebook là ứng dụng được người dùng sử dụng phổ biến và có số lần chạm màn hình nhiều nhất, chiếm 15% tổng số lần chạm màn hình trong ngày, tiếp theo sau là các ứng dụng nhắn tin (11%), nút Home (9%) và trình duyệt web Chrome (5%).
Có thể nói kết quả nghiên cứu của DScout cho thấy chúng ta đang sống trong một thời đại smartphone đóng vai trò trong cuộc sống hàng ngày của những người đang sử dụng và sở hữu nó, thậm chí gây nên tình trạng “nghiện” với không ít người dùng.
Theo: Dân Trí