Cảm biến vân tay là một trong những công nghệ cao cấp đang trở nên phổ cập hóa trên ngày càng nhiều các mẫu smartphone từ tầm trung đến flagship. Thực tế, nếu một nhà sản xuất tung ra một điện thoại mới mà thiếu đi tính năng này thì ngay lập tức sẽ nhận được phàn nàn từ người dùng.
Câu hỏi đặt ra: Hãng nên thiết kế cảm biến vân tay ở vị trí nào thì hợp lý?
Một trong những điều hay và thú vị của hạng mục phần cứng này, đó là các nhà sản xuất tự do tha hồ thiết kế các loại cảm biến vân tay, với đủ kiểu hình dạng và vị trí khác nhau.
Các thương hiệu như Xiaomi, Huawei, ZTE và LG áp dụng kiểu cảm biến mặt sau, trong khi đó iPhone, Samsung, Motorola và OnePlus lại sử dụng cảm biến ở mặt trước. Một lựa chọn khác lạ hơn là cảm biến vân tay ở bên cạnh viền máy, hiện chỉ mới có Sony áp dụng.
Hiển nhiên các nhà sản xuất có lý do riêng của họ, nhưng bất cứ thiết kế nào cũng phải tạo ra sự thuận tiện và lợi ích tối đa cho người sử dụng. Một khảo sát nhỏ từ người dùng của cộng đồng Android Authority mới đây về vị trí cảm biến đã cho ra kết quả thú vị, từ ý kiến của những người tham gia.
Cụ thể, có tới 3.049 người được hỏi (49%) cho rằng cảm biến vân tay ở mặt sau là hợp lý nhất. Có vẻ số người sở hữu các mẫu điện thoại cảm biến mặt sau là rất phổ biến.
Về mặt tiện ích sử dụng, cảm biến mặt sau cho phép người dùng dễ dàng mở khóa điện thoại ngay khi lấy từ túi quần ra cùng một lúc, hành vi này xảy ra mọi lúc mọi nơi.
Ngoài ra, cách cầm điện thoại của chúng ta hiện nay thì phần lớn các ngón tay đặt ở phía mặt lưng để đỡ máy, cho phép dùng đầu ngón tay chạm vào cảm biến một cách khá linh hoạt.
Về mặt thiết kế, mặt lưng có diện tích rộng nhất trên điện thoại nên nhà sản xuất dễ dàng bố trí cảm biến với kích thước tối đa, đồng thời đủ không gian để tách biệt cảm biến ra khỏi nút nguồn nếu cần.
Đối với vị trí cảm biến ở mặt trước, 2.292 người đồng tình (tỉ lệ là 37%) lựa chọn đây là vị trí thứ hai tối ưu nhất. Thường thì cảm biến mặt trước sẽ tích hợp chung với nút Home để tiết kiệm diện tích eo hẹp.
Đây là vị trí thoáng đãng, dễ thấy nhất giúp thao tác quét vân tay được dễ dàng , đồng thời cũng thuận tiện cho người dùng muốn mở khóa khi điện thoại đặt trên bàn mà không cần phải cầm lên.
Về mặt thiết kế thì mặt trước vẫn là vị trí ưa thích và được nhiều nhà sản xuất smartphone lựa chọn nhất. Tuy nhiên, khi mà xu hướng smartphone màn hình tràn cạnh, thay nút Home vật lý bằng nút Home ảo để thu gọn hai cạnh trên dưới, thì đây sẽ là một thách thức mới cho các kỹ sư phần cứng.
Đứng ở vị trí cuối cùng, cảm biến ở vị trí cạnh bên máy chỉ nhận được 882 lựa chọn (14%), có lẽ lượng fan Sony khá lép vế so với phần còn lại của thế giới. Tuy vậy, đáng ngạc nhiên là có rất nhiều bình luận của người đọc cho biết họ đánh giá cao nhất loại cảm biến mặt bên này, bởi nó phù hợp với tư thế cầm nắm thiết bị tự nhiên của người dùng.
Với cảm biến vân tay cạnh bên, người dùng không cần phải nhấc thiết bị lên như cảm biến mặt trước, mà cũng có thể vừa rút điện thoại ra khỏi túi vừa mở khóa như cảm biến mặt lưng, kết hợp được lợi ích của cả hai loại.
Chưa kể là cảm biến cạnh bên vừa có thể tích hợp với nút nguồn vừa không ảnh hưởng tới nút Home (nếu có tồn tại), cho phép các nhà phát triển giải quyết được diện tích mặt trước máy cho các thiết kế màn hình tràn cạnh. Điểm yếu là, độ bền do thao tác thường xuyên và dễ bị hư hại khi dùng kèm các loại vỏ ốp.
Còn bạn, bạn cho rằng vị trí nào là hợp lý nhất cho cảm biến vân tay, hãy bình chọn và chia sẻ ý kiến với mình trong phần bình luận dưới bài viết nhé.