Google hiện nay đang chính thức có 2 ứng dụng trò chuyện là Hangouts và Messenger, chưa kể vừa có thêm tính năng chat ngay trong ứng dụng Youtube.
Sau sự kiện Google I/O 2016, họ bất ngờ bổ sung thêm vào danh sách liền một lúc 3 ứng dụng tin nhắn mới là Spaces, Allo và Duo. Nhưng nhìn ở góc độ người dùng và thị trường, liệu có cần thiết cho một thương hiệu duy trì tới 5 ứng dụng chat độc lập hay không?Nếu chỉ nhìn vào thị trường của ngành ứng dụng trò chuyện trên thiết bị di động, không cần phải là chuyên gia cũng có thể nhận thấy mọi thứ đang ở giai đoạn bão hòa, với vô số ứng dụng từ các hãng lớn nhỏ đang vật lộn để giành lấy một vị trí trên màn hình của người dùng.
Từ Facebook Messenger, Google Messenger, iMessage, WhatsApp, Snapchat, Skype, Wire, Hangouts, Line, Wechat, Viber,... cho đến các ứng dụng địa phương tại từng quốc gia như Zalo (ở Việt Nam). Tất cả đều chỉ để phục vụ những nhu cầu cơ bản của người dùng ưa trò chuyện trực tuyến.
Tuy nhiên, theo khảo sát, ngay cả người dùng nghiện nhắn tin nhất cũng chỉ dùng tối đa từ 2 - 3 ứng dụng phổ biến nhất, bởi vì giữa chúng đều có sự trùng lặp nhất định về tính năng.
Hành vi của đa số người dùng đều ưa thích một loại ứng dụng đa năng, vừa có thể chat trực tuyến dễ dàng vừa hỗ trợ quay videoclip, thậm chí là chia sẻ mọi thứ ngay tức thì qua các cổng mạng xã hội. Do đó, một ứng dụng chỉ chuyên chú vào 1 chức năng riêng lẻ sẽ rất khó mà cạnh tranh, cũng như mở rộng tập người dùng trong thời buổi hiện nay.
Việc Google tung ra Allo và Duo thoạt nhìn tưởng như sẽ đi vào vết xe đổ này, bởi Allo thì chỉ tập trung vào chức năng nhắn tin, còn Duo thì thiên về hội thoại video.
Tuy nhiên, việc tích hợp trợ lý ảo thông minh Google Assistant vào ứng dụng Allo là một nước cờ khôn ngoan. Và theo nhiều chuyên gia đánh giá, Allo sẽ trở thành con át chủ bài cho chiến lược di động (mobile-first) trong thời gian tới, chứ không chỉ đơn giản là một ứng dụng nhắn tin. Còn Duo thì được kỳ vọng là sẽ trở thành một dạng Facetime cho cả nền tảng hệ điều hành Android.
Trong lúc đó, nhiều fan của Google bức xúc cho rằng nếu đã xuất hiện một Allo “bá đạo” như vậy, nên khai thử luôn Hangouts – cái đã từng được xem là cổng giao tiếp tất cả trong một của Google, nhưng rồi chính họ lại chẳng ngó ngàng gì đến nó trong suốt thời gian vừa qua.
Còn khôi hài và trớ trêu thay, chính các chuyên gia Google lại khuyên người dùng nên sử dụng công cụ Messenger khi cần nhắn tin nhanh SMS thay vì xài Hangouts (?!). Thực tế, rất ít tính năng Hangouts làm được mà các ứng dụng đối thủ lại không có, khiến nó chẳng tạo ra được giá trị khác biệt gì.
Chưa hết, đã 3 năm sau thời điểm ra mắt mà người dùng vẫn không thể gửi các loại video clip cho nhau một cách trực tiếp trên Android thông qua ứng dụng có sẵn Hangouts, mà phải đính kèm tập tin video, một sự “củ chuối” không thể chấp nhận nổi.
Câu chuyện thích vẽ vời và làm ra thật nhiều ứng dụng, rồi bày ra trên màn hình điện thoại cho người dùng thích dùng thì dùng, có lẽ là căn bệnh trầm kha của Google.
Ngay cả với một ứng dụng khá độc đáo mới ra mắt là Spaces – tính năng chia sẻ nhóm tiện lợi tích hợp cả Search, Youtube và Chrome, cũng bị tách riêng công cụ này thành một ứng dụng độc lập, khiến nhiều người nghi ngờ vào khả năng thành công của nó trong dài hạn.
Cho dù Google thừa tài nguyên và khả năng để sáng tạo và thử nghiệm bất cứ cái gì họ thích. Nhưng nhìn từ góc độ kinh tế, với thị trường ứng dụng trò chuyện ngày càng đông đúc và cạnh tranh tàn khốc như hiện nay, Google nên thu gọn tập sản phẩm của mình thay vì cứ mở rộng không cần thiết.
Hãy mạnh dạn dẹp bỏ những thứ “vô dụng” như Hangouts và tích hợp những gì tinh túy nhất cho vũ khí mang tính cách mạng như Allo, đó mới là con đường để tránh vết xe đổ của những tượng đài sụp đổ như Yahoo hay AOL.
Xem thêm: Bảng xếp hạng ứng dụng chat trên Android: Bất ngờ... made in Vietnam