Windows Mobile tính ra vẫn là một hệ điều hành hay, khác biệt hẳn so với Android, iOS và đã từng là một niềm hi vọng về OS di động thứ ba. Nhưng do hàng loạt sai lầm trong chiến lược và tính năng, Windows Mobile đã không thể giữ vững vị trí của mình để dẫn tới kết cục buồn ngày hôm nay.
ocket PC 2000 và Windows Mobile: chuẩn mực của điện thoại thông minh những năm 2000
icrosoft đã tham gia thị trường smartphone từ rất lâu trước khi họ ra mắt Windows Phone. Từ tận năm 1996, một số nhà sản xuất đã đưa Windows CE lên một vài dòng máy trợ cá nhân PDA của họ. Nhưng phải đến khi nền tảng Pocket PC 2000 thì người ta mới bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới Windows di động. Nó hỗ trợ bộ ứng dụng văn phòng Office, cho phép đồng bộ dữ liệu giữa di động và PC một cách dễ dàng, giao diện Start Menu quen thuộc với những người sử dụng máy tính...Windows Mobile đã trở thành một trong những hình tượng khi người ta nói về smartphone bên cạnh BlackBerry. Những chiếc điện thoại Windows Mobile thời này cũng thường có bàn phím cứng, màn hình cảm ứng điện trở và chú trọng nhiều tới tính năng làm việc hơn là những điểm mạnh về giải trí như smartphone thời nay. HP, HTC, các máy O2 huyền thoại, Samsung... là một số tên tuổi lớn có làm thiết bị Windows Mobile.
HTC HD2: huyền thoại hack
Ở những ngày cuối cùng của Windows Mobile 6.5, HTC ra mắt chiếc HD2, một thiết bị với màn hình 'lớn' 4,3' đợ phân giải 480 x 800. Vào năm 2008 - 2009 thì kích thước màn hình này đã là rất lớn rồi.
Nhưng điểm đặc biệt nhất của chiếc HD2 lại nằm ở phần cứng và hệ thống ROM có thể được tinh chỉnh cực kì linh hoạt. Các tay chơi ROM sau đó đã thử cài đủ loại hệ điều hành lên chiếc máy này, từ Android 4, 5, 6, 7 cho đến Windows, Linux, MeeGo và thậm chí là những phiên bản Windows Phone sau này.
So với những chiếc điện thoại thời đó, và đặc biệt là khi so với iPhone, khả năng tùy biến của HD2 thuộc loại mạnh mẽ chưa từng có nên chiếc máy này rất đáng được chú ý và trở nên khác biệt hẳn so với những mẫu điện thoại khác trên thị trường.
Windows Phone ra đời
Năm 2010, những chiếc điện thoại Windows Phone 7 ra mắt lần đầu tiên. LG, Samsung, HTC là những cái tên lớn có tham gia làm phần cứng cho hệ điều hành di động mới này vì họ đã có mối hợp tác lâu năm với Microsoft. Ngoài ra, những công ty này cũng đang thử nghiệm xem liệu Windows Phone có thể trở thành một lựa chọn tốt hơn Android hay không vì thời đó Android chưa chiếm thị phần lớn như bây giờ.
Windows Phone được chú ý vì thiết kế giao diện khác hoàn toàn so với Windows Mobile 6.5 trước đó, nó cũng khả hẳn so với cách tiếp cận của Android và iOS với trải nghiệm người dùng. WP sử dụng những ô vuông lớn với tính năng Live Tile cập nhật thông tin liên tục để thống nhất với phong cách thiết kế Metro của Windows 8. Nó cũng tích hợp chặt chẽ với những công cụ và dịch vụ khác của Microsoft như Xbox Live, Skype, Office.
Windows Phone 7 bị thiếu nhiều chức năng quan trọng, ví dụ như khu vực thông báo, khả năng đa nhiệm, nó cũng không đổi được hình nền. Ngoài ra, Windows Phone 7 cũng không thu hút được nhiều app lớn và thường bị xếp ưu tiên thấp khi các nhà phát triển làm app vì khi ấy Android và iOS đang hút khách hơn rất nhiều.
Nokia bắt đầu tham gia cuộc chơi vào năm 2011 với chiếc Lumia 800, chiếc Lumia đầu tiên của công ty. Nó chạy Windows Phone 7.5 Mango - bản update lớn đầu tiên cho nền tảng này. Sự tham gia của Nokia mở ra một hi vọng mới cho WP vì Nokia khi đó vẫn còn là một tên tuổi lớn, họ đặc biệt quảng bá rất mạnh những chiếc máy này tại thị trường Việt Nam. Sau đó Nokia ra mắt thêm một loạt máy khác nữa, trong đó có chiếc Lumia 600 cực kì ấn tượng và đẹp tuy chỉ là một sản phẩm tầm trung.
Windows Phone 8... tái sinh
Sau khi bị chửi quá nhiều về WP7, Microsoft ra mắt Windows Phone vào năm 2012. Thiết kế chủ chốt của hệ điều hành vẫn giống WP7 nhưng nó được đưa vào những cải tiến quan trọng phù hợp với một chiếc smartphone hiện đại và khắc phục được nhiều nhược điểm của thế hệ trước: đa nhiệm, Xbox Smartglass, NFC, sau này có thêm tính năng tùy biến hình nền, trung tâm thông báo...
Tuy nhiên, WP 8 có một hạn chế chết người: những chiếc điện thoại chạy WP7 mới mua chỉ 1 năm trước không thể tương thích nên không cập nhật lên được. Người dùng WP7 nổi giận, nhiều người đã bỏ hẳn nền tàng này và chê Microsoft đem con bỏ chợ. Phía nhà phát triển app cũng tập trung nhiều hơn cho WP8 nên WP7 lại càng bị ghẻ lạnh hơn nữa.
Ở thời WP8, Nokia cho ra mắt những chiếc điện thoại rất ấn tượng, đặc biệt là khả năng chụp ảnh. Lumia 920 với công nghệ PureView, Lumia 1020 với cụm camera khủng và vẫn rất chất cho tới tận hôm nay, rồi Lumia 1520 với thiết kế đẹp, màn hình xuất sắc và trải nghiệm sử dụng cực kì tốt (camera cũng tốt không kém). Những thiết bị này cũng là những chiếc máy cao cấp cuối cùng mà Nokia ra mắt.
Microsoft mua lại Nokia
Năm 2014, Microsoft mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia với giá 7 tỉ USD. Mục đích của Microsoft là sử dụng Nokia như một công cụ phần cứng giúp họ phát triển tốt hơn và mạnh hơn. Lúc này vị thế của Microsoft sẽ giống Apple: một công ty vừa nắm phần cứng, vừa nắm phần mềm, họ có thể tùy biến WP cho những thiết bị của riêng mình và đem tới những khả năng rất riêng.
Trong thời gian chuyển giao, Nokia tiếp tục ra mắt thêm những chiếc điện thoại tầm trung tốt như Lumia 730, Lumia 830 hay chiếc Lumia 930 với khung kim loại ấn tượng và camera xịn. Chiếc điện thoại Windows Phone cuối cùng mang logo Nokia là Lumia 735, trong khi chiếc điện thoại WP đầu tiên gắn thương hiệu Microsoft là Lumia 535. Đây là một khởi đầu khá lạ vì đáng ra Microsoft nên nhảy vào thị trường với những chiếc máy cao cấp.
Windows 10 Mobile: rất tốt, nhưng rất tiếc
Năm 2015, dựa trên nền tảng chung Windows 10, bản Mobile đã ra mắt để dùng cho thiết bị di động và nó chia sẻ nhiều tính năng tương tự Win 10 trên máy tính. Từ đầu năm Microsoft cũng bắt đầu chạy chương trình cho phép người dùng thử nghiệm trước hệ điều hành này trên chính những chiếc Lumia họ cầm trên tay. Đây là lần đầu tiên Microsoft tiếp nhận ý kiến của người dùng một cách rộng rãi trước, trong và sau khi hoàn thiện nền tảng Windows nên được đánh giá rất cao. Nó cho thấy một thái độ khác, mới mẻ hơn và mở hơn. Sự thật là Windows 10 Mobile thay đổi rất nhanh trong thời gian thử nghiệm, và nhiều chức năng được người dùng yêu cầu cũng xuất hiện nhanh chóng.
Windows 10 Mobile còn vẽ ra tương lai tốt đẹp cho việc sử dụng điện thoại làm máy tính với tính năng Continuum. Người dùng chỉ cần đem điện thoại, còn khi tới công ty, về nhà, tới khách sạn đã có dock Continuum để kết nối ra màn hình ngoài, thêm chuột và bàn phím nữa là có thể dùng được như máy tính (tuy bị hạn chế là chỉ hỗ trợ app cài từ Windows Store).
Trong gần như cả năm 2015, Microsoft không ra mắt thêm chiếc điện thoại cao cấp nào cả. Họ đợi Win 10 Mobile hoàn thiện rồi mới trình làng Lumia 950 và 950 XL, hai mẫu điện thoại có camera tuyệt vời và độ nhạy cũng như trải nghiệm rất tốt.
Đáng tiếc cho Microsoft, ở thời cuối năm 2015, họ đã không còn có thể cạnh tranh lại Android và iOS. Thị phần nhỏ 1 con số, thiếu thiết bị mới, thiếu quảng bá, quan trọng hơn là thiếu app. Windows 10 Mobile tuy rất tuyệt vời nhưng không thể nào chống lại 2 đối thủ vốn đã quá lớn để có thể thất bại. Microsoft đã quá chậm và mắc nhiều sai lầm trong chiến lược kinh doanh nên Win 10 Mobile chưa bao giờ cất cánh. Đầu năm 2016, nó được update cho những người dùng đang còn trụ lại với Lumia nhưng chẳng còn thu hút được nhiều sự quan tâm nữa.
Năm 2016, Microsoft ra mắt thêm chiếc Lumia 640 và 640 XL, đây cũng là hai chiếc smartpone Windows Phone cuối cùng mà công ty làm. Sau đó họ đã bán mảng phần cứng điện thoại cho Foxconn. HP và một số công ty nhỏ khác có ra mắt thêm điện thoại Windows 10 Mobile nhưng chỉ bán ở những thị trường ngách hoặc dành cho doanh nghiệp là chủ yếu.
Dấu chấm hết cho Windows Phone / Mobile
Trong một loạt dòng tweet trên Twitter, Joe Belfiore, phó chủ tịch chịu trách nhiệm mảng Windows, cho biết rằng Windows 10 đã không còn là trọng tâm phát triển của Microsoft nữa, tương tự một phát ngôn trước đây của CEO Satya Nadella. Bản thân ông ở vai trò là một người dùng bình thường cũng đã chuyển sang Android.
Từ giờ trở đi, Microsoft sẽ chỉ còn dành nguồn lực để phát triển các bản vá lỗi và tăng cường tính bảo mật cho khách hàng doanh nghiệp, những người đang dùng Windows 10 Mobile cho hoạt động kinh doanh của họ. Công ty chưa có kế hoạch nào liên quan đến việc xây dựng tính năng mới dành cho người tiêu dùng như anh em Tinh tế chúng ta. Microsoft cũng không dự tính ra mắt thêm bất kì phần cứng điện thoại mới nào nữa.
Như vậy, Windows Mobile nói chung và Windows 10 Mobile đã có thể xem như đã chết, kể từ ngày hôm nay, 9/10/2017. Tạm biệt Windows Mobile, chúng ta đã có nhiều thời gian vui vẻ với nhau.