RAM là gì? Tác dụng và vai trò của nó?
Ai cũng biết đến RAM nhưng không phải ai cũng biết chính xác nó là gì, tác dụng của nó ra sao. Rất nhiều người chỉ biết đến RAM như một thành phần quyết định tốc độ của máy tính. RAM là viết tắt của cụm từ Random Access Memory (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên). Nó được gọi như vậy là vì mỗi ô nhớ của RAM có vai trò như nhau và hệ thống của thể truy cập bất cứ ô nhớ nào mà không phải đi tuần tự như các loại thiết bị lưu trữ khác.
RAM có khả năng tự đọc và ghi. Nhờ các tính năng đặc biệt mà tốc độ truy xuất dữ liệu trên RAM là nhanh vượt trội so với các thiết bị lưu trữ khác. Tuy nhiên, nó không có khả năng lưu trữ dữ liệu khi bị ngắt nguồn điện, mỗi khí máy tính bị tắt là đồng nghĩa với việc RAM mất toàn bộ dữ liệu.
Vậy có phải cứ nhiều RAM là tốt?
Câu trả lời là đúng mà cũng không đúng. Vậy khi nào nó tốt hơn, khi nào việc nhiều RAM không có tác dụng?
Đầu tiên chúng ta nên hiểu chính xác là RAM chỉ là nơi lưu trữ thông tin của hệ thống, tức là RAM hoàn toàn không quyết định mà chỉ hỗ trợ tốc độ của hệ thống nhờ và tốc độ truy xuất dữ liệu cực nhanh của mình. Quan niệm: RAM càng lớn tốc độ càng nhanh là hoàn toàn sai lầm, các con số 1GB, 2GB là dung lượng RAM chứ không phải tốc độ.
Như vậy, việc tăng 'số GB' của RAM có hiệu quả hay không phụ thuộc hoàn toàn vào việc hệ thống của bạn dùng bao nhiêu RAM cho công việc. Số lượng RAM chỉ cần đúng vừa đủ so với nhu cầu của hệ thống đã là tốt nhất, tăng dung lượng thêm hoàn toàn không có hiệu quả
Hãy tưởng tượng RAM tương tư như kho chứa hàng. Bạn cần nó 'chứa' 1GB thì việc RAM bạn là 1GB hay là 1000 GB hoàn toàn không khác nhau (vì nó chỉ sử dụng hết 1GB). Tăng dung lượng RAM chỉ làm tăng tốc độ hệ thống khi mà bạn cần 2GB RAM trong khi hệ thống chỉ có 1GB, trong trường hợp này, việc tăng RAM sẽ tăng hiệu quả cho hệ thống. Đương nhiên, trong trường hợp này bạn chỉ cần nâng cấp lên 2GB bởi 2GB và 1000GB trong trường hợp này là hoàn toàn không khác nhau.
Trong nhiều trường hợp, chúng ta cần RAM lớn hơn nhu cầu một chút bởi các máy tính đời cũ thường phải chia sẻ bộ nhớ RAM cho card màn hình hay đôi khi có những việc cần RAM đột biến. Như vậy, đừng nên nâng cấp RAM trong các trường hợp mà bạn đã có đủ. Ngay cả khi chưa đủ và muốn nâng cấp, các bạn cũng cần chú ý thêm một số vấn đề khác.
Theo: GenK