Lũ quét
Lũ quét thường xuất hiện ở những nơi gần đồi núi, chảy tràn vào các thung lũng. Nó hình thành không chỉ từ những cơn mưa dông, bão tố, băng tuyết trên núi tan chảy một cách đột ngột; mà nó còn đến do con người: đó là khi đập ngăn nước hồ thủy điện bị vỡ, xả nước hồ thủy điện không đúng cách. Khi đó, một lượng nước khổng lồ sẽ bất ngờ đổ ập xuống với sức mạnh khủng khiếp.
Ngoài yếu tố thiên nhiên, việc xả lũ không đúng cách cũng gây nên các trận lũ quét (Ảnh: Internet)
Sức tàn phá của những trận lũ quét chịu ảnh hưởng của độ dốc địa hình và vật cản dòng chảy. Ngày nay, khi các cánh rừng bị đốn hạ nặng nề, thì dòng chảy của lũ quét rất nhanh và mạnh mang theo sức tàn phá ghê gớm. Nó cuốn phăng mọi trở lực trên đường, kể cả nhà cửa.
Trong vòng từ 1 đến 6 giờ đồng hồ bung phá, sức nước lũ quét là hết sức nguy hiểm. Khi lũ quét xuất hiện, giao thông đình trệ, vì lúc đó rất dễ xảy ra tai nạn. Đáng chú ý, khi dòng nước mãnh liệt tuôn chảy từ trên cao xuống, gặp lực cản lớn, khối lượng nước khổng lồ với tốc độ cao sẽ bị dội ngược lại thành một vòng trước khi có thể chảy tiếp làm cho mực nước dâng nhanh hơn và trở nên nguy hiểm. Nước bị dội lại, va vào dòng nước đang đổ về tạo ra nhiều xoáy nước hút mọi thứ xung quanh, hết sức nguy hiểm.
Lũ ống
Về bản chất, lũ ống cũng giống như các loại lũ khác, có nghĩa là nước từ trên cao đổ xuống đột ngột gây tàn phá lớn cho khu vực hạ lưu. Tuy nhiên, khác với lũ quét, lũ ống xảy ra trong mùa mưa và chỉ có ở miền núi. Thường thì lũ ống chỉ xảy ra trên các lưu vực nhỏ, nơi có địa hình khép kín bởi các dãy núi cao bao quanh. Chúng thông với bên ngoài bằng các hang, khe hoặc suối nhỏ, hẹp có bờ dựng đứng (dạng ống, nên gọi là lũ ống).
Địa hình này khiến nước ở trên cao đổ về sẽ bị nghẽn lại gây nguy hại cả cho phía trên và phía dưới eo thắt. Trong khi, vùng trên của lũ bị tàn phá bởi nước dâng cao và tồn đọng lâu, phần dưới thay vào đó hứng chịu những đợt nước xiết có năng lượng rất mạnh đổ tràn xuống hạ lưu cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi.
Lũ ống tràn về Mù Căng Chải (Yên Bái) sáng 3/8 (Ảnh: Internet)
Cũng cần lưu ý một điều, thời gian qua đã có không ít trường hợp gây lũ, tàn phá nhà cửa, hoa màu của người dân vùng cao có nguyên nhân bắt nguồn từ chính những công trình xây dựng trong vùng. Đáng kể là việc ngăn suối làm ao nuôi cá. Khi nước từ trên núi đổ xuống, nhất là khi chịu tác động của hoàn lưu bão, các bờ ngăn này dễ dàng bị phá vỡ dồn nước xuống hạ lưu, gây thiệt hại rất lớn.
Sáng sớm ngày 3/8, mưa lớn kéo dài tại khu vực Tây Bắc gây lên một trận lũ ống và lũ quét lớn nhất trong lịch sử gần 100 năm qua. Lũ đổ xuống thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) và huyện Mường La (Sơn La) gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ước tính 18 người chết, 19 người mất tích và 12 người khác bị thương. Mưa lũ cũng cuốn trôi hơn 200 ngôi nhà, vùi lấp hàng trăm ha lúa. Nhiều tuyến đường giao thông ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 700 tỷ đồng.
Hoài Anh