Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates 5 năm trước đã tuyên bố trước thế giới sẽ sản xuất ra một loại toilet rất bền và hoàn toàn không tốn kém, hứa hẹn tạo ra một cuộc cách mạng về vấn đề an toàn vệ sinh dịch tễ.
Vào tháng 9 năm 2012, các nhà nghiên cứu của đại học Cranfield đã được quỹ từ thiện gia đình Gates tài trợ 710.000 USD để cho ra đời sản phẩm có tên gọi là Nano Membrane Toilet.
Ngày 22/03 hàng năm được mọi người biết đến là ngày thế giới vì nước sạch (World Water Day), một sự thật đáng buồn là hiện tại vẫn có hơn 2.4 tỷ người tức là có khoảng ¼ dân số thế giới đang phải sống trong môi trường vệ sinh dịch tễ không an toàn.
Một cộng đồng người dân đang sống trong cảnh thiếu thốn nguồn nước sạch, họ đang có những nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan đến vệ sinh rất cao.
Chiếc bồn cầu Nano Membrane Toilet này được thiết kế với kì vọng sẽ giúp xóa bỏ sự thật trần trụi này. Nano Membrane Toilet không tốn nước, rất dễ sử dụng và đang được thử nghiệm chính thức. Rất có thể chiếc Toilet này sẽ là các giải pháp tương lai cho các vấn đề vệ sinh toàn cầu.
Cấu tạo chiếc bồn cầu Nano Membrane Toilet.
Giảng viên tại học viện nghiên cứu khoa học về nước sạch Cranfield Alison Parker hy vọng thiết kế Toilet mới này sẽ đến được với các khu đô thị nghèo khi những khu vực như vậy là những nơi cần có sáng chế này nhât.
Cô Alison Parker nói thêm: 'Toilet này sẽ được sử dụng ở những nơi khó có được vấn đề vệ sinh tốt như các khu đô thị nghèo và đông đúc, nhưng vẫn phải đảm bảo vị trí đó sẽ có kĩ thuật viên đến kiểm tra được 6 tháng 1 lần.'
Thiết kế bên trong của chiếc Toilet này khá phức tạp.
Sau khi một người đi vệ sinh xong và bấm nút xả, guồng quay của toilet sẽ quay 270 độ cho phép chất thải đi xuống một bồn chứa phía dưới nó. Sau khi guồng quay thực hiện xong công việc của mình, một dụng cụ hoạt động như những chiếc bàn chải sẽ quét sạch những gì còn sót lại ở guồng quay.
Các chất thải dạng rắn sẽ nằm ở đáy bồn chứa, và những chất thải lỏng sẽ nổi lên trên.
Các sợi bé li ti, hay còn lại là nanofiber được tích hợp thành từng bó bên trong thùng chứa sẽ lọc các hơi nước tồn tại trong chất thải lỏng và đưa hơi nước đó vào một ống thẳng đứng ở bên cạnh bồn cầu.
Tiếp theo, hơi nước sẽ được xử lý bởi các hạt có trong ống thẳng đứng, được tích tụ thành nước, sau đó loạt nước này sẽ chảy qua ống thẳng đứng vào một bình chứa ở trước bồn cầu.
Các chất thải rắn còn lại sẽ được chuyển sang một bình chứa riêng bằng một động cơ chạy bằng pin. Trong bình chứa sẽ có sáp thơm để ngăn mùi, các chất thải rắn ở đây sẽ được để khô.
Cứ mỗi tuần, một kĩ thuật viên sẽ đi thu thập các chất thải rắn và nước trong ống, và sẽ thay pin cho toilet nếu cần thiết.
Lượng nước trong ống có thể được dùng trong các sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, tắm rửa, tưới tiêu... Còn các chất thải rắn sẽ được đưa vào các nhà máy nhiệt điện để sản xuất điện.
Chiếc bồn cầu này có thể được sử dụng trong một hộ gia đình với 10 người, tiêu tốn không quá 0.05 USD mỗi ngày mỗi người. Và trong năm nay chiếc toilet này sẽ được đưa ra thử nghiệm chính thức.
Một cuộc cách mạng trong vấn đề vệ sinh dịch tễ toàn cầu.
Thách thức lớn nhất của các nhà nghiên cứu đối với chiếc toilet này đó là đưa được nó vào sử dụng rộng rãi.
Rất nhiều các sáng chế đều thành công khi ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng trên thực tế để đưa được một sáng chế vào sử dụng rộng rãi thì không phải là dễ.
Để chiếc toilet này được sử dụng hiệu quả và an toàn, các chính quyền địa phương sẽ phải đào tạo nhân viên chuyên chỉ để vận hành chiếc toilet này. Quá trình này sẽ khá tốn thời gian bởi một số các nhà khoa học đã phải bỏ ra hàng năm trời thiết kế các sản phẩm của mình mà họ cũng chưa chắc đã vận hành tốt.
Hiện tại vấn đề giấy vệ sinh vẫn đang còn nan giải đối với sáng chế mới này, nhưng hy vọng trong tương lai các nhà khoa học sẽ nghiên cứu ra giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Với sáng chế mới này, Bill Gates và phu nhân của ông đang góp phần làm thay đổi vận mệnh của vấn đề an toàn vệ sinh dịch tễ trên toàn cầu.